Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:02 GMT+7

Sản xuất bền vững

Bắc Ninh: Hiệu quả từ những mô hình trình diễn khuyến công

28/07/2017

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN tỉnh, từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, bình quân mỗi năm Trung tâm hỗ trợ xây dựng 2 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới, công nghệ mới với kinh phí từ  250  - 350 triệu đồng/mô hình. Sau khi được đầu tư, hỗ trợ, hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả thiết thực như tăng giá trị sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại các vùng nông thôn.


Điển hình như năm 2012, Trung tâm phối hợp với Công ty Cổ phần Him Lam Mộc Dũng xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván ghép thanh tại xã Nhân Hòa (Quế Võ). Mô hình có tổng vốn đầu tư gần 10,7 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 250 triệu đồng, còn lại là của Công ty. Mục tiêu của mô hình tạo ra 3.500 m3 sản phẩm ván ghép thanh mỗi năm, phục vụ cho các đơn vị sản xuất đồ gỗ nội thất; đồng thời tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm thiểu xuất khẩu nguyên liệu thô, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm đồ gỗ chất lượng cao, trang trí nội thất, các sản phẩm tiêu dùng có giá trị thẩm mỹ cao. Hiện nay, mô hình hoạt động ổn định, thực hiện thành công mục tiêu đề ra và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.


Năm 2015, Trung tâm hỗ trợ 350 triệu đồng cho Công ty sản xuất và thương mại Đại Thủy ở phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cửa cuốn và cửa xếp. Sau khi được hỗ trợ, mô hình hoạt động tốt, giúp công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và tạo việc làm cho  200 lao động với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.


Ngoài các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, nhiều Công ty, hộ cá thể còn được trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN tỉnh hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến với mức từ 100 -150 triệu đồng/đề án. Nguồn kinh phí này tạo động lực thiết thực thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp-TTCN đầu tư thiết bị, dây chuyền, đổi mới công nghệ sản xuất nâng cao năng suất lao động, tăng lợi nhuận cho đơn vị và tạo thêm việc làm mới cho nhiều lao động nông thôn.


Ông Trần Văn Hiện, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN tỉnh khẳng định: “Đa số các mô hình trình diễn khi được nghiên cứu triển khai đều có hiệu quả vượt trội so với trước. Để có kết quả đó  điều quan trọng là phải biết lựa chọn mô hình phù hợp lợi thế địa phương, có phương án kinh doanh hợp lý. Công tác tổ chức, xây dựng mô hình và triển khai thực hiện phải có kế hoạch, có sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể giữa Trung tâm và đơn vị phối hợp (chủ đầu tư). Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát trong và sau quá trình triển khai thực hiện, kịp thời khắc phục khó khăn, rút kinh nghiệm, mở rộng sản xuất, nhân rộng mô hình…”.


Mặc dù đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đã giúp nhiều cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh thay đổi diện mạo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ quá ít so với tổng mức đầu tư của đối tượng thụ hưởng nên chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp mong muốn được tăng mức hỗ trợ kinh phí, đồng thời Nhà nước có thêm các giải pháp hỗ trợ về thị trường, kỹ thuật,... giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.

 

Theo Báo điện tử Bắc Ninh