Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 19:50 GMT+7

Sản xuất bền vững

Bắc Kạn: Giải pháp trọng tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp

23/06/2017

Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2011-2016, công tác khuyến công đã hỗ trợ có hiệu quả sản xuất các sản phẩm có lợi thế về vùng nguyên liệu. Khuyến công Bắc Kạn đã thực hiện 129 đề án với tổng kinh phí 7,375 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 3,14 tỷ đồng, khuyến công địa phương là 4,235 tỷ đồng. Theo đó đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn chuyển hướng đầu tư, tham gia vào lĩnh vực công nghiệp - TTCN.

Tuy nhiên, do công tác quản lý sản xuất kém hiệu quả, sản phẩm có chất lượng chưa cao, thị trường tiêu thụ hạn chế nên một số nghề đã không duy trì, phát triển được. Hiện sản xuất TTCN của tỉnh chỉ tập trung vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản (miến dong, bún, phở, rượu, bánh kẹo, chế biến gỗ), gạch nung thủ công. Mặt khác, tỉnh chưa có quy hoạch phát triển TTCN, làng nghề nên chính quyền các huyện, thành phố chưa có định hướng, lựa chọn phát triển ngành nghề gắn với lợi thế của địa phương.

Để tạo môi trường thuận lợi cho các nghề TTCN phát triển, đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh Bắc Kạn đang xây dựng dự thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp giai đoạn 2017-2020” với nhiều mục tiêu lớn. Theo đó, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn này bình quân đạt 11%/năm. Thu ngân sách từ công nghiệp, TTCN tăng bình quân 12%/năm, cụ thể: Năm 2017 đạt 70 tỷ đồng, năm 2018 đạt 80 tỷ đồng, năm 2019 đạt 95 tỷ đồng, năm 2020 đạt 110 tỷ đồng. Tập trung xây dựng một số làng nghề có sản phẩm được thị trường chấp nhận nhằm giữ thương hiệu và mở rộng sản xuất.

Trong đề án, UBND tỉnh cũng xây dựng nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu trên. Theo đó, Bắc Kạn tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển một số ngành TTCN có tiềm năng và điều kiện phát triển, như: Chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng. Trong đó, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ và cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án chế biến sản phẩm dong riềng, hồng không hạt, cam, quýt với công nghệ tiên tiến, đáp ứng về số lượng, chất lượng và mẫu mã sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao khả năng tiếp thị trong tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức hội chợ trưng bày các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giúp doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, hợp tác kinh doanh, bao tiêu sản phẩm và mở rộng thị trường.

Ưu tiên hỗ trợ xây dựng hạ tầng một số cụm công nghiệp trọng điểm, cụ thể hóa và xây dựng thành chính sách đặc thù tại địa phương để thu hút nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng thu hút doanh nghiệp. Củng cố, tổ chức lại và phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, TTCN nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển bền vững kinh tế tập thể. Trên cơ sở các làng có nghề như: Miến dong Côn Minh, rượu Bằng Phúc, phở khô Phủ Thông... tập trung xây dựng, hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí để công nhận làng nghề theo quy định hiện hành.

Đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng điểm; hướng dẫn cơ sở công nghiệp nông thôn kết nối thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng giữ gìn và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đã được cấp, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm hàng hoá.

 

Theo Báo Công Thương