Mới thành lập và đi vào hoạt động hơn 2 năm, Trung tâm tiết kiệm năng lượng và SXSH Quảng Nam đã sớm kiện toàn bộ máy và nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ được giao, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là xây dựng Kế hoạch hành động về thực hiện SXSH, lồng ghép các nội dung thực hiện SXSH trên địa bàn tỉnh vào Chiến lược bảo vệ môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm duy trì các hoạt động SXSH sau khi Hợp phần SXSH trong công nghiệp thuộc Chương trình DCE khép lại. Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp (DN) về thực hiện áp dụng SXSH và xây dựng hệ thống quản lý môi trường tại các đơn vị sản xuất công nghiệp. Thực hiện lập báo cáo đánh giá nhanh SXSH cho 15 DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trung tâm đã tiến hành thành lập và duy trì hoạt động của câu lạc bộ các DN chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) và Công ty Tư vấn Epro tiếp cận với DN trong công việc tư vấn các giải pháp SXSH trong công nghiệp cho các DN tham gia dự án trình diễn từ năm 2007 đến nay.
Về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh, trung tâm đã tổ chức các hội nghị phổ biến Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và kiểm toán năng lượng cho các tổ chức cá nhân. Bên cạnh đó tiến hành khảo sát tình hình sử dụng năng lượng và đề xuất chương trình tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2011 - 2015 và đã tư vấn kiểm toán năng lượng cho 3 DN.
- Trong những năm gần đây, chương trình SXSH được áp dụng trong các cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây có phải là một trong những giải pháp giúp DN tháo gỡ khó khăn, tăng năng lực cạnh tranh không, thưa ông?
- Ông Phạm Bá Huyên: Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng SXSH không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cả về mặt môi trường. Chương trình SXSH giúp DN cải thiện sản xuất, sử dụng nguyên liệu đầu vào có hiệu quả hơn, giảm ô nhiễm cũng như chi phí xử lý môi trường, cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động, đồng thời tạo dựng hình ảnh tốt cho DN. Hiện nay, DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn có trình độ công nghệ lạc hậu, thiết bị không đồng bộ, sản phẩm có tính cạnh tranh yếu. Trong quá trình sản xuất, DN đã thải ra môi trường chất thải không được xử lý vừa gây lãng phí, vừa tác động xấu đến môi trường. Trong điều kiện DN đang khó khăn về vốn, chưa có khả năng đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, việc tư vấn DN áp dụng SXSH, bố trí lại quy trình sản xuất cho phù hợp là điều rất cần thiết. Thực tế cho thấy số DN trên địa bàn của tỉnh áp dụng SXSH đều có thể giảm lượng nguyên liệu tiêu thụ từ 10 - 15% như Công ty Mây tre đan Âu Cơ, Công ty Bao bì Bình An...
- Ông đánh giá như thế nào về công tác kiểm toán năng lượng tại các DN trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Ông Phạm Bá Huyên: Những năm trước, DN chưa thấy được tầm quan trọng của kiểm toán năng lượng nên rất khó mời họ tham gia dù chương trình miễn phí. Tuy nhiên, những năm gần đây, các DN đã quan tâm đến việc kiểm toán năng lượng nhiều hơn vì nhiều lý do. Có thể là do áp lực về giá các nguồn năng lượng tăng cao làm chi phí sản xuất tăng theo hoặc việc cạnh tranh với nhau giữa các DN trong ngành ngày càng gay gắt nên yêu cầu tiết giảm chi phí trở nên bức thiết. Đồng thời Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính thức có hiệu lực và những DN trọng điểm phải tiến hành kiểm toán năng lượng định kỳ nên buộc các DN phải tham gia.