Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:15 GMT+7

Tin hoạt động

Công ty CP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát: Thành công từ sản phẩm “sạch”, thân thiện với môi trường

27/11/2012

SXSH là một quy trình mang tính bao quát các hoạt động của doanh nghiệp, bắt buộc doanh nghiệp phải áp dụng liên tục các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Từ khi mới thành lập, Công ty An Phát đã xác định chiến lược phát triển chính là chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện trách nhiệm với môi trường và cộng đồng xã hội. Mặc dù là một doanh nghiệp trẻ (thành lập từ năm 2007), nhưng Công ty luôn nỗ lực không ngừng, xây dựng và phát triển thương hiệu, trở thành nhà sản xuất túi ni lông tự hủy và tái chế nhựa hàng đầu Việt Nam. 

Hiện Công ty có 3 nhà máy sản xuất bao bì và 1 nhà máy sản xuất phụ gia CaCO3. Nhà máy số 1 và số 2 hoạt động trong lĩnh vực tái chế nhựa sản xuất túi, bao bì đựng thực phẩm, túi rác, màng ni lông chuyên dùng trong nông nghiệp và sản xuất hạt nhựa tái chế HDPE, LDPE nhiều màu. Nhà máy số 3 (bắt đầu hoạt động vào tháng 9/2009), sản xuất túi cuộn cao cấp (ni lông tự hủy), chuyên dùng trong ngành thực phẩm. Cả 3 nhà máy của Công ty đều có dây chuyền sản xuất được nhập khẩu từ Đài Loan, Singapore và Nhật Bản. Tháng 10/2010, Công ty đã chính thức khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất hạt phụ gia CaCO3 (bột đá vôi siêu mịn) tại Yên Bái, với vốn đầu tư 50 tỷ đồng.

Với mục tiêu trở thành một doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín trong ngành sản xuất bao bì tái chế, cạnh tranh với những thương hiệu lớn của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Công ty An Phát đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000 do tổ chức Quacert chứng nhận. Đồng thời, xây dựng Hệ thống ISO quản lý chất lượng môi trường 14000 và Hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội SA 8000, đáp ứng yêu cầu quản lý đồng bộ theo phương châm “Chất lượng sản phẩm – BVMT – Đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động”.
 
Trong cuộc sống hàng ngày, các loại nhựa phế thải, nhựa tái chế, hay chất thải có chứa HDPE, LDPE, PP... được sử dụng rất nhiều, đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy tái chế nhựa. Việc thu hồi và tái chế các loại chất thải này không chỉ là một phương pháp tiết kiệm chi phí mà còn là một cách thức hiệu quả để góp phần BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, Công ty An Phát đã tiến hành thu mua các loại bao bì nhựa, ni lông, sau đó tái chế. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, nên Công ty đã phải kiểm soát chặt chẽ để không gây ô nhiễm môi trường.

Đối với Công ty An Phát, thành công của giải pháp SXSH thể hiện rõ qua các chặng đường phát triển và tất cả những hoạt động đó đều hướng đến lợi ích của cộng đồng xã hội. Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến dây chuyền sản xuất, Công ty còn xây dựng một đội ngũ cán bộ, công nhân viên lành nghề, được đào tạo bài bản và có ý thức BVMT. Năm 2008 đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của An Phát, khi Ban lãnh đạo Công ty quyết định thay đổi hình ảnh để trở thành một “Công ty Xanh” - thân thiện với môi trường, thông qua việc sản xuất các sản phẩm túi ni lông đựng rác, bao bì nhựa tự phân hủy. Công ty đã xây dựng và vận hành Nhà máy sản xuất túi ni lông tự hủy (Nhà máy số 3). Các loại túi này tuy vẫn có các đặc tính của túi ni lông thông thường, nhưng thời gian tự hủy được rút ngắn từ 3 tháng đến 2 năm (tùy vào từng chủng loại và cách pha chế). Quá trình phân rã cuối cùng thành bột dưới dạng phân hữu cơ, hòa vào trong đất và hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường. Phụ gia hạt tự hủy có nguồn gốc từ tinh bột, không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Để thể hiện rõ quyết tâm đem những sản phẩm “sạch”, thân thiện với môi trường, đến với người tiêu dùng, Công ty An Phát đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, với công suất khoảng 700 tấn/tháng. Việc nghiên cứu và chế tạo thành công các sản phẩm nguyên sinh, tái chế, các loại bao bì tự phân hủy giúp Công ty tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế. Đây là một giải pháp tối ưu nhằm tiến tới thay thế túi ni lông thông thường, góp phần làm môi trường xanh – sạch – đẹp.

Để giải quyết vấn đề nước thải trong hoạt động sản xuất, tại các Nhà máy sản xuất, Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Công ty đã phối hợp cùng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học tiến hành lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, có công suất khoảng 1.000m³/ngày. Đây là một hệ thống xử lý và cung cấp nước tuần hoàn khép kín, chi phí thấp, đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Nước thải từ xưởng tái chế được đưa đến hệ thống xử lý nước thải bao gồm 5 bể lắng đọng khử bẩn sinh học bằng bèo tây. Mỗi bể có dung tích 360m³, giữa các bể có một ngăn lọc bằng cát và sỏi. Nước tại bể cuối cùng được lọc sạch và đưa vào xưởng tái chế. Hệ thống xử lý nước tuần hoàn cung ứng cho xưởng tái chế 4.000m³ nước/ngày, với lượng nước này có thể rửa 20 tấn phế liệu/ngày. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn loại B, có thể tái sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất.

Coi đây là một sự đầu tư “thông minh” nhằm SXSH, ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty chia sẻ, theo nghiên cứu, để rửa sạch 1.000kg phế liệu cần sử dụng khoảng 20m³ nước cùng một lượng lớn hóa chất tẩy rửa và để xử lý sạch khoảng 1.000 tấn nhựa, phải sử dụng 20.000m³ nước, với chi phí khoảng 600 – 900 triệu đồng. Đồng thời, cũng phải mất một khoản kinh phí lớn để xử lý toàn bộ nước thải. Trong khi đó, để làm sạch nguyên liệu, Công ty An Phát không dùng bất kỳ hóa chất phụ gia nào mà chỉ dùng nước để rửa. Với hệ thống xử lý nước tuần hoàn khép kín, Công ty đã giảm được đáng kể giá thành sản phẩm, có lợi thế cạnh tranh, đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Từ hướng đi đó, sản phẩm “bao bì màng mỏng” tự phân hủy của Công ty được khách hàng, đối tác đánh giá rất cao. Hàng năm, Công ty xuất khẩu 75% tổng sản lượng sang thị trường châu Âu, Mỹ, các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Nam Phi... Đây là những thành quả của Công ty trong việc theo đuổi chiến lược SXSH, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, vừa BVMT sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững.