Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:37 GMT+7

Tin hoạt động

Doanh nghiệp Việt: Làm cách nào tham gia chuỗi cung ứng

04/07/2018

Doanh nghiệp (DN) Việt mặc dù đã hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chủ yếu gia công lắp ráp. Thống kê của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng 9% DN Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng chỉ cung ứng các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
"Vượt lên chính mình"
Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, điểm yếu của nhiều DN Việt Nam là thiếu tính ổn định: sản phẩm ban đầu chất lượng tốt nhưng càng về sau càng "thả nổi", không đồng bộ. Đại đa số DN nhận thức được hạn chế này nên đã nỗ lực điều chỉnh, tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo về chất lượng, sản xuất tinh gọn và cải tiến nhằm hướng đến phát triển DN bền vững. Điển hình là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại In Minh Mẫn sau khi tham gia hầu hết các chương trình đào tạo, cải tiến do Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM (trực thuộc Sở Công Thương) phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức và đã tích lũy được rất nhiều "vốn liếng" từ những chương trình đó. 
Bà Trương Thị Thu Trâm, phó giám đốc công ty, liệt kê vốn hữu hình là những số liệu cụ thể là gần 100 hạng mục được cải tiến giúp về tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm tỉ lệ sản phẩm sai lỗi, kiểm soát tồn kho… Vốn vô hình là sự thay đổi tích cực trong môi trường làm việc, tinh thần làm việc của tất cả bộ phận trong công ty. Đặc biệt, sau khóa đào tạo về Phát triển DN bền vững (SCORE), Minh Mẫn đã có những cải tiến đáng kể: tinh thần làm việc của lãnh đạo, công nhân toàn công ty đều "lên dây cót". 
"Chúng tôi lập fanpage, tất cả thành viên hào hứng chia sẻ những hình ảnh liên quan đến 5S, Kaizen lên fanpage tạo sự cạnh tranh lành mạnh vui vẻ giữa các bộ phận; lãnh đạo công ty theo dõi và kịp thời động viên, khen thưởng. Những hoạt động này đến nay vẫn được duy trì" - bà Thu Trâm cho biết.
Cũng theo bà Trâm, nhờ thực hiện đúng theo chỉ dẫn của các chuyên gia đào tạo, cải tiến Minh Mẫn đã có sự cải tiến vượt bậc. Hiện bộ phận 5S ở nhà máy tự vận hành không cần ban giám đốc trực tiếp đôn đốc. Công nhân dần chăm chút công việc và môi trường làm việc nên nhà xưởng lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm, luôn trong tình trạng sẵn sàng đón đối tác, khách hàng đến tham quan.
Nền tảng gia nhập chuỗi
Với kinh nghiệm hơn 10 năm tư vấn cho các DN xuất khẩu, ông Lê Minh Quang, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thương mại Innovek Sài Gòn, chỉ ra rằng nhà mua hàng luôn đặt vấn đề trách nhiệm xã hội của DN bán hàng lên hàng đầu. DN Việt muốn làm ăn với họ trước tiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. "Khách hàng lớn thường khó tính và đưa ra những yêu cầu ngặt nghèo. 
Đa số DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, muốn ký được hợp đồng thì phải biết khách hàng mình nhắm đến là ai, cần gì rồi soi lại mình, nỗ lực đáp ứng các yêu cầu. Đơn cử như đối tác muốn mua hàng giá A nhưng DN sản xuất không tinh gọn, không tiết kiệm hiệu quả hoặc tăng ca nhiều làm đội phí sản xuất, phải bán với giá A+ mới có lãi. Hai bên không hợp tác được" - ông Quang chia sẻ.
Điều đáng mừng là ngày càng nhiều DN quan tâm giảm chi phí, tăng năng suất nhằm chinh phục khách hàng mới và phục vụ khách hàng cũ tốt hơn. "5S, Kaizen, SCORE, Lean 6 sigma… là những công cụ cải tiến DN cần tiếp cận và áp dụng. Có 5 chương trình giúp DN hoàn thiện dần, chúng tôi rất mong Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM tiếp tục đồng hành, hỗ trợ thêm nhiều DN nhỏ và vừa tiếp cận những chương trình này. Cải tiến sẽ là nền tảng cơ bản giúp DN đổi mới, mở rộng khả năng gia nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu" - giám đốc một DN công nghiệp hỗ trợ ở quận Tân Bình, TP HCM thông tin. 
Các DN mong muốn TP mở thêm nhiều chương trình cho DN nhỏ và vừa tham gia. Bên cạnh đó, mở thêm kênh chia sẻ thông tin cho DN cung cấp thông tin để DN nắm bắt, từ đó chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập phát triển. 
Nguồn: nld.com.vn