Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:30 GMT+7

Tin hoạt động

Giải pháp khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên dầu khí

25/05/2018

Xuất phát từ tầm quan trọng đó, ngày 22/5, tại Hà Nội, Viện Dầu khí Việt Nam, đơn vị nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam” nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực để khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên dầu khí.
 
Theo TS. Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực bao gồm đánh giá đầy đủ tiềm năng dầu khí trong toàn bộ thềm lục địa và lãnh thổ, cũng như duy trì hoạt động an toàn, ổn định, giảm chi phí vận hành là vô cùng quan trọng trong quá trình khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên dầu khí. 
 
Chính vì vậy, trong hội nghị này, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực năng lượng sẽ cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp, ý kiến tháo gỡ khó khăn hiện tại, tận dụng cơ hội để phát huy những gì đang có để tạo đột phá, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành dầu khí.
 
Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung phân tích các thách thức đối với lĩnh vực dầu khí đặc biệt là khâu thượng nguồn, dự báo xu hướng giá năng lượng đến năm 2040, từ đó đề xuất các giải pháp liên quan đến công tác tái cơ cấu, tối ưu hóa danh mục đầu tư, xây dựng chiến lược cho toàn ngành, ứng dụng công nghệ mới… để giúp các công ty dầu khí tiết giảm chi phí và có thể cạnh tranh tốt hơn trong điều kiện giá dầu thấp.
 
Theo thống kê, hiện dầu khí chiếm tỷ phần lớn và quan trọng về năng lượng ở nhiều quốc gia (50-55%) với mức tiêu thụ thế giới mỗi năm khoảng 4,0 tỷ tấn dầu và 3.500 tỷ m3 khí. Điều đó chứng tỏ công nghiệp dầu khí vẫn giữ vị trí hàng đầu trong tỷ phần năng lượng sơ cấp thế giới trong thời gian dài. Ở Việt Nam theo thống kê, dầu và khí chiếm khoảng 41% tỷ phần năng lượng cơ bản.
 
Tuy nhiên, theo ông Robert Chambers, chuyên gia của IHS Markit, dầu khí sẽ có nguy cơ cạn kiệt dần và cần được thay thế trong tương lai. Cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi tư duy sử dụng dạng năng lượng hiệu quả, chất lượng, bảo vệ môi trường tốt hơn, giảm phát thải khí CO2.
 
Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần coi phát triển công nghiệp hoá dầu từ khí thiên nhiên, một trong những lĩnh vực quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững ngành dầu khí Quốc gia trong thời gian sắp tới.
 
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp bằng việc tổng hợp các số liệu, phân tích cơ hội và định hướng tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong giai đoạn sắp tới cũng như ứng dụng các công nghệ mới phục vụ và nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí.
 
Bên cạnh đó, ngành dầu khí Việt Nam cũng phải nhanh chóng đổi mới hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế; áp dụng các thành tựu và công nghệ 4.0 nhằm giảm giá thành tấn trữ lượng thăm dò và tấn dầu khai thác, mở rộng thăm dò khai thác ra vùng biển nước sâu; ứng dụng các thành tựu công nghệ cải thiện hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên dầu khí, đặc biệt đối với khí có hàm lượng CO2 cao; tự động hóa với dây chuyền sản xuất thông minh có thể tạo đột phá cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.
 
Để tăng giá trị gia tăng cho ngành, cần đầu tư để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, chế tạo và sản xuất những sản phẩm từ dầu khí có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường, bảo đảm giá trị chuỗi từ sản xuất đến phân phối.
 
Đặc biệt, “các công ty dầu khí tập trung vào điểm giao giữa chi phí và công nghệ để có thể cạnh tranh tốt hơn trong môi trường giá dầu thấp. Điều kiện thị trường buộc các doanh nghiệp phải ưu tiên các chương trình công nghệ phù hợp nhất, tái cơ cấu một cách hiệu quả với cấu trúc chi phí thấp hơn”, ông Robert Chambers nhấn mạnh.
 
TS. Nguyễn Hữu Trung, chuyên gia của Viện Dầu khí Việt Nam phân tích, sau một thời gian dài khai thác, các mỏ dầu lớn của Việt Nam (như Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen…) đã đi vào giai đoạn suy giảm sản lượng. Vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp kiềm chế đà suy giảm sản lượng, cải thiện hiệu quả khai thác và gia tăng hệ số thu hồi dầu đối với các mỏ dầu khí hiện nay là nhiệm vụ cấp thiết đối với ngành dầu khí.
 
Theo TS. Nguyễn Hữu Trung, độ ngập nước tăng cao tại một số giếng khai thác, đồng thời xuất hiện các hiện tượng phức tạp như: Sa lắng muối, hình thành paraffin hay xuất hiện cát trong lòng giếng, làm giảm khả năng khai thác của giếng. Do đó, bơm ép hóa chất và bơm ép khí là giải pháp khả thi nhất để nâng cao hệ số thu hồi dầu, đặc biệt là đối với các vỉa chứa clastic; đồng thời cần có kế hoạch triển khai EOR tổng thể theo từng khu vực.
 
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực của ngành trước những thách thức của toàn cầu,TS. Nguyễn Quỳnh Lâm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, cần nâng cao công tác quản lý rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động. Theo đó, để có hệ thống quản trị tốt, quản trị rủi ro cần phải thực hiện theo chuẩn mực quốc tế, gắn với các mục tiêu của chiến lược kinh doanh, bảo đảm ngăn ngừa, hoặc điều chỉnh kịp thời hoạt động khi rủi ro ảnh hưởng tiêu cực và kịp thời nắm bắt cơ hội nếu rủi ro có thể ảnh hưởng tích cực đến kết quả sản xuất kinh doanh.
 
Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách giá khí cho từng đối tượng cụ thể phục vụ mục tiêu phát triển chung của PVN. Trong đó, có chính sách giá khí với lộ trình ưu tiên để phát triển hóa dầu ở giai đoạn đầu sau đó tăng dần theo giá khí thị trường.
 
Mặt khác, cần coi phát triển công nghiệp hoá dầu từ khí thiên nhiên là một trong những lĩnh vực quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững ngành dầu khí Quốc gia trong thời gian sắp tới. Trong đó, dành tối thiểu 20% sản lượng khí để phục vụ phát triển hoá dầu.
 
Nguồn: Baochinhphu.vn