Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:21 GMT+7

Tin hoạt động

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào đóng thuyền Composite

03/05/2018

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề đi biển, từ tuổi thiếu niên, Nguyễn Văn Lưu có nhiều năm theo bố đánh bắt hải sản trên chiếc thuyền nan bằng tre nứa mộc mạc của gia đình để kiếm kế sinh nhai. Học xong phổ thông, anh đăng ký theo học nghề điện dân dụng và nuôi ước mơ sau này tiếp tục học nghề, tự tay làm ra những chiếc thuyền hiện đại hơn để phục vụ cho gia đình, người thân và những người có nhu cầu ở địa phương. Năm 2014, anh Lưu vào miền Nam học nghề đóng thuyền Composite. Trở về quê hương, tháng 3/2015, anh mở cơ sở kinh doanh đóng các loại thuyền Composite có công suất nhỏ để phục vụ ngư dân đánh bắt gần bờ. Tùy theo nhu cầu của khách, anh Lưu có thể đóng các loại thuyền diện tích lớn, nhỏ khác nhau (giá mỗi chiếc thuyền giao động từ 18 – 50 triệu đồng).
 
Vì người dân ở địa phương quen dùng loại thuyền thúng nên họ còn e ngại bỏ ra số tiền khá lớn để mua thuyền Composite từ cơ sở kinh doanh của anh Lưu để thay thế sử dụng. Được anh Lưu thuyết phục, vận động nên thay đổi tư duy, đầu tư một lần nhưng hiệu quả lâu dài, một số người dân ở xã Vĩnh Thái mạnh dạn đặt hàng, mua thuyền của cơ sở anh về đi biển.
 
Tiếng lành đồn xa, thuyền Comppsite đảm bảo tính thẩm mỹ, chất lượng nên số người đến đặt hàng ở cơ sở anh Lưu ngày một nhiều hơn. Cơ sở kinh doanh làm ăn thuận lợi tạo động cho anh ngày càng đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở anh không chỉ xuất bán ở các địa phương trong tỉnh mà còn vươn xa ra thị trường các tỉnh như: Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế… Nếu như năm 2015 cơ sở của anh Lưu chỉ đóng được 12 chiếc thuyền Composite và năm 2016 chỉ 28 chiếc thì năm 2017 sản xuất được hơn 60 chiếc. Với số sản phẩm tăng trông thấy, năm 2017 doanh thu của cơ sở anh đạt 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở của anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động ở địa phương với thu nhập từ 200 – 300 nghìn đồng/người/ngày công.
 
Nhận thấy sản phẩm của cơ sở mình phù hợp với nhu cầu người dân các vùng biển đánh bắt bắt hải sản gần bờ, đồng thời để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trên cơ sở một phần vốn hỗ trợ từ phía Chương trình Khuyến công tỉnh (45 triệu đồng), cuối năm 2017 anh Lưu đã mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị hiện đại nâng cao năng suất lao động, chất lượng, tạo tính thẩm mỹ các sản phẩm thuyền từ vật liệu Composite với tổng số kinh phí 270 triệu đồng. Đó là chiếc máy phun dung dịch Composite vào sản xuất để thay thế cho việc dán các lớp sợi thủy tinh thủ công được sản xuất tại Mỹ, công suất phun 80 chiếc thuyền/năm.
 
Theo anh Lưu cho biết, quy trình công nghệ sản xuất thuyền Composite vẫn tương tự như quy trình sản xuất thuyền truyền thống. Tuy nhiên, anh sử dụng nguyên liệu mới thông qua chiếc máy phun dung dịch Composite để thay thế nguồn nguyên liệu truyền thống như: gỗ, tre, nứa… vì lâu dài, các nguyên liệu này ngày một khan hiếm, do đó sử dụng nguyên liệu mới sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, đóng thuyền Composite chất lượng cao hơn hẳn so với gỗ, chi phí sửa chữa thấp hơn, giá thành sản phẩm lại giảm.
 
 Ông Võ Văn Trà, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Linh cho biết, việc đưa công nghệ mới vào đóng thuyền Composite của cơ sở kinh doanh Nguyễn Văn Lưu ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tăng doanh thu, giúp cơ sở phát triển sản xuất; góp phần làm đa dạng thêm các sản phẩm công nghiệp, phục vụ khai thác, đánh bắt hải sản cung cấp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cơ sở của anh còn tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động trên địa bàn, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. 
 
Nguồn: arid.gov.vn