Một thành tố quan trọng trong hệ thống Khởi nghiệp Quốc gia Việt Nam đó chính là cộng đồng các doanh nghiệp lớn. Tại các quốc gia mạnh về khởi nghiệp như Mỹ, Úc, Singapore, Châu Âu, cộng đồng này là một trong những động lực chính thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và thành công.
Lực đẩy...
Trong vài năm gần đây, áp lực của cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số đã tạo ra làn sóng đổi mới sáng tạo phi tuyến tính – Disruptive Innovation. Thay vì đổi mới từ từ, các lực đẩy hiện tại đổi mới sáng tạo đã thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh với tốc độ nhanh và sâu sắc. Chúng ta chứng kiến các hệ thống bán hàng tự động trong bán lẻ, mô hình taxi truyền thống thay thế bằng taxi công nghệ, đặt vé máy bay và phòng qua các OTA trực tuyến. Thay đổi mô hình kinh doanh là giá trị quan trọng đầu tiên các doanh nghiệp/ tập đoàn lớn có thể thụ hưởng từ các doanh nghiệp startup họ đầu tư hay tham gia vận hành. Các doanh nghiệp lớn hiện tại dựa trên các mô hình kind doanh truyền thống. Cùng sở hữu hay tự đứng ra khởi nghiệp sẽ giúp cho họ cơ hội đánh giá và xem xét các mô hình kinh doanh mới sáng tạo mà không ảnh hưởng tới mô hình truyền thống. Một công cụ hay được áp dụng trong startup là mô hình kinh doanh/ Business Model Canvas sẽ đem lại những giá trị to lớn cho doanh nghiệp khi triển khai. Sau khi thành công trong startup, mô hình kinh doanh mới sẽ từ từ tích hợp và thay đổi mô hình hiện tại trong doanh nghiệp.
Từ các thay đổi do công nghệ, khách hàng ngày nay đã chuyển đổi sang số hóa. Trong doanh nghiệp tốc độ đổi mới sáng tạo và thiết kế các sản phẩm, dịch vụ mới bị chậm hơn so với nhu cầu. Thông qua các startup, các doanh nghiệp có thể thiết kế sản phẩm hay dịch vụ mới , điều chỉnh và đánh giá hiệu quả kinh doanh nhanh hơn.
Có thể nói startup là phòng thí nghiệm lớn nhằm áp dụng các sản phẩm và dịch vụ mới nhưng không bị ảnh hưởng từ các sản phẩm và dịch vụ hiện tại. Cũng thông qua startup, các công cụ mới như thiết kế tư duy, trải nghiệm khách hàng, khởi nghiệp tinh gọn, phát triển khách hàng... sẽ được áp dụng và phát huy triệt để. Các doanh nghiệp có thể tận dụng quy mô khách hàng hiện tại để thương mại hóa tốt hớn các sản phẩm và dịch vụ mới của startup.
Khởi nghiệp là một trong những kênh hiệu quả giúp tiếp cận các công nghệ mới. Ví dụ một tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam có thể tiếp cận các nhà khoa học và giảng viên đang nghiên cứu công nghệ nhận dạng hình ảnh và giọng nói. Các kết quả nghiên cứu công nghệ này sẽ được doanh nghiệp tài trợ và thương mại hóa nó ngay trong hoạt động tập đoàn. Tương tự, một ngân hàng có thể cấp vốn cho các nhà khoa học nghiên cứu về dữ liệu lớn nhằm triển khai các hoạt động đánh giá rủi ro các sản phẩm và dịch vụ của mình. Trong một số trường hợp, tiếp cận công nghệ mới là động lực chính doanh nghiệp đầu tư vào startup. Trên thực tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp cần tập trung vào các nhà nghiên cứu tại các viện và trường trong nước cũng như các nhà khoa học gốc Việt tại nước ngoài.
Giá trị của các startup
Sở hữu tài năng trong công nghệ và quản trị cũng là một giá trị lớn khi các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào startup. Thông thường trong startup vốn con người có giá trị nhất. Các doanh nghiệp có thể đầu tư sau đó chuyển hóa vốn con người từ startup sang lực lượng nhân lực hiện tại.
Có bốn phương pháp chính để tận dụng nguồn nhân lực startup: Thứ nhất, cho phép các nhân lực startup đặc biệt về kỹ thuật tham gia vào các hoạt động vận hành doanh nghiệp với vai trò cố vấn.
Thứ hai đó chính là đào tạo cho lực lượng nhân lực hiện tại.
Thứ ba là các chương trình cộng hưởng giữa hai nguồn nhân lực.
Giá trị cuối cùng đó chính là thương hiệu và hoạt động cộng đồng cho đi. Tham gia vào các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và trực tiếp đầu tư vào khởi nghiệp sẽ tạo ra những giá trị lớn về thương hiệu cũng như hoạt động đóng góp cho cộng đồng...
Hiểu rõ các giá trị lớn lao từ vận hành cũng như chiến lược sẽ giúp cho các doanh nghiệp lớn tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Các doanh nghiệp lớn cũng như các lãnh đạo đã làm rất tốt các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như đào tạo, truyền cảm hứng, cung cấp vốn mồi, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ cũng như cơ sở vật chất văn phòng làm việc... Tuy nhiên các doanh nghiệp lớn còn có thể tham gia thông qua những hoạt động mang tính chất hệ thống như đào tạo và tuyển dụng nhân lực mang tâm thế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chiến binh. Các giá trị đó có thể thuộc về chiến lược như đổi mới sáng tạo, thay đổi mô hình kinh doanh hoặc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới. Quốc gia khởi nghiệp Việt Nam chỉ thành công khi hình thành các stratup lớn, thúc đẩy khởi nghiệp trong doanh nghiệp và quan trọng nhất sự kết hợp hoàn hảo giữa các doanh nghiệp lớn với các startup khoa học công nghệ.