Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 09/11/2024 | 00:02 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất sạch hơn cho ngành thực phẩm

26/11/2012

Thuật ngữ sản xuất sạch hơn (SXSH) lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1995. Đến nay, khái niệm này đã được nhiều người biết đến. Việc hiểu và nắm rõ phương pháp luận này là yếu tố then chốt giúp cho công tác triển khai thực hiện SXSH tốt hơn. Đặc biệt, vấn đề quảng bá rộng rãi là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020.

Áp dụng hiệu quả các kỹ thuật SXSH

Theo định nghĩa của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, SXSH là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất sản phẩm và dịch vụ. Mục đích nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Trong những năm qua, Sở TN&MT TP.HCM là một trong những đơn vị luôn đi đầu trong công tác phổ biến việc thực hiện SXSH. Các chương trình, lớp tập huấn luôn thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia. Sự phát triển về kinh tế của nước ta và mức sống của người dân ngày càng tăng cao. Điều đó kéo theo nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm thực phẩm đòi hỏi về chất lượng và an toàn hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải đổi mới, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhưng vẫn không tăng giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, các đơn vị hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm ngày càng quan tâm và áp dụng hiệu quả hơn các kỹ thuật SXSH. Biết cách gắn kết các yếu tố mới này vào kế hoạch kinh doanh là một phần quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn cho doanh nghiệp năm 2012, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM thuộc Sở TN&MT TP.HCM tổ chức lớp tập huấn Hướng dẫn áp dụng SXSH cho ngành chế biến thực phẩm. Mục đích nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu, uy tín của công ty cũng như có nhận thức đúng đắn về các vấn đề môi trường.


Đừng bỏ qua những chi tiết nhỏ

Để thực hành quản lý sản xuất tốt trong doanh nghiệp thực phẩm, nguyên tắc chung cần chú ý là đảm bảo công nhân được đào tạo, hướng dẫn đầy đủ; xây dựng các bảng hướng dẫn vận hành thiết bị, hướng dẫn thao tác, định mức chuẩn bị nguyên vật liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng để giảm phế phẩm; ghi chép số liệu đầy đủ để theo dõi tình trạng sản xuất; bảo dưỡng, bảo trì thiết bị sản xuất; tăng cường quản lý nội vi; ngăn ngừa thất thoát lãng phí. Trong việc sử dụng nước, chúng ta cần chú ý thường xuyên kiểm tra và sửa chữa các điểm rò rỉ trên đường ống nước; lắp các van phao tự động đóng ngắt máy bơm cho các bể chứa; thay thế vòi rửa thông thường bằng các súng rửa áp lực cao… Đối với hệ thống điện, một số nguyên nhân gây lãng phí điện như sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ hơn yêu cầu; các động cơ không đảm bảo hiệu suất; bố trí đèn chiếu sáng chưa hợp lý… Song song đó, ý thức của người lao động cũng góp phần ảnh hưởng đến việc lãng phí điện. Chẳng hạn như tắt đèn, quạt khi không sử dụng; đặt nhiệt độ máy điều hòa thấp; dùng nước lãng phí… Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác gây lãng phí năng lượng trong hệ thống hơi.

Tùy theo tình hình cụ thể mà doanh nghiệp có các mối quan tâm khác nhau. Chẳng hạn như một doanh nghiệp sản xuất cá viên cho biết họ gặp khó khăn trong khâu sản xuất sản phẩm, cứ vài bữa lại phải đổ đi một mẻ. Điều đó cho thấy doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến vấn đề cải tiến công nghệ. Hoặc một công ty khác lại gặp khó khăn khi chi phí năng lượng hằng tháng quá cao. Do đó, việc thực hiện SXSH phải được triển khai theo năm bước, gồm: chuẩn bị; đánh giá hiện trạng; nghiên cứu giải pháp; thực hiện và đo lường kết quả; duy trì SXSH.

Trong vai trò là giảng viên buổi tập huấn, ông Trần An, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn Epro, giảng viên hợp phần SXSH trong công nghiệp của Bộ Công Thương, chia sẻ đa phần các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng vào tiết kiệm những vấn đề to lớn mà bỏ qua những chi tiết nhỏ. Chẳng hạn như khi vòi nước bị rỉ, nhỏ giọt nhưng nhiều cơ sở sản xuất vẫn cho qua, đây là cách làm sai lầm. Hơn nữa, vấn đề ý thức tác phong công nghiệp của người lao động là yếu tố quan trọng. Ông Trần An cho rằng vấn đề này liên quan đến tác phong, cái nếp làm việc của người lãnh đạo doanh nghiệp.