Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:12 GMT+7

Tin hoạt động

Anh nông dân chế tạo máy ép vỏ trấu thành củi

14/05/2018

Anh Lai chia sẻ: “Người nông dân thường tận dụng các phế phẩm như rơm rạ, củi trấu, mùn cưa để làm chất đốt, song vẫn thừa thãi rất nhiều. Vỏ trấu là một loại chất đốt truyền thống gây khói bụi, thường bị người nông dân đổ bỏ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường do việc sử dụng bếp gas ngày càng phổ biến.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở xay xát lúa gạo chính là các điểm tập trung nguồn trấu của các địa phương, nhưng các chủ nhà máy hiện không quan tâm nhiều đến nguồn lợi từ trấu. Tôi luôn đặt ra câu hỏi tại sao một nguyên liệu vừa rẻ, vừa có giá trị như vậy lại vứt đi? Từ đó tôi nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy có thể biến những phế phẩm này thành củi...”.
 
10 năm trước, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế có dự án đầu tư, chế tạo các loại máy móc có tính hữu dụng cao phục vụ người dân, với tiền vốn được hỗ trợ là 29,5 triệu đồng, anh Lai đã bắt tay vào nghiên cứu sản xuất máy ép củi trấu. Sau nhiều lần vận hành thử nhưng thất bại, đến đầu năm 2008, chiếc máy ép củi trấu của anh mới hoàn thiện và cho ra sản phẩm chất lượng tốt. Đây cũng là năm anh đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Bạch Lai để phát triển sản xuất kinh doanh.
 
Máy ép củi trấu này hoạt động dựa trên nguyên lý nén bằng trục vít, có van nhiệt và sản phẩm tạo ra là những thỏi củi dài hình ống từ nguyên liệu có sẵn ở địa phương. Lúc đầu trấu được cho vào máy ép, bộ phận sấy tự động sẽ làm giảm độ ẩm của trấu xuống còn 12%. Sau đó ép thành củi dạng ống, dài 40- 70 cm, đường kính 8,5 cm. Chỉ sau 1 phút khởi động và nạp nguyên liệu, củi trấu sẽ được ép thành công. Năng suất có thể đạt từ 150 đến 200 kg/giờ, chỉ cần 1,5 kg trấu sẽ cho “ra lò” 1 kg củi.
 
Với sự mày mò, cải tiến kỹ thuật không ngừng, hiện nay doanh nghiệp của anh đã có thể lắp ráp hoàn chỉnh và cung cấp cho thị trường 2 loại máy ép củi trấu với công suất 180 kg củi/h và 300 kg/h. Các sản phẩm đều có thông số kỹ thuật ổn định với các ưu điểm như đảm bảo độ ẩm đầu vào của nguyên liệu, không tiêu tốn điện năng, tự động hóa các quy trình ép...
 
Từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm cơ sở của anh bán ra thị trường gần 50 máy ép củi trấu. Loại máy này không chỉ được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, như Lào và Campuchia.
 
Những người sử dụng máy ép củi trấu của anh Trần Đình Lai đánh giá, sản phẩm của anh Lai rất tiện lợi, bởi lượng trấu hằng ngày được sinh ra từ việc xay xát lúa gạo rất nhiều nhưng qua máy ép đã được nén lại thành củi nên chi phí tồn kho, vận chuyển giảm đi rất nhiều. Tình trạng vỏ trấu bị đốt bỏ gây ô nhiễm, lãng phí về nguồn lực và tài nguyên thiên nhiên cũng được giải quyết.
 
Nguồn: vtc.vn