Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 23:48 GMT+7

Tin hoạt động

Tiếp cận Sản xuất sạch hơn với làng nghề

23/11/2012

Đặc điểm làng nghề Việt Nam

Qui mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất thô sơ lạc hậu: Sản xuất tại làng nghề chủ yếu diễn ra trong phạm vi gia đình, họ thường đảm nhiệm tất cả các khâu; giữa các hộ sản xuất thường khá độc lập với nhau, từ mua nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nên chưa có sự liên doanh liên kết sản xuất qui mô lớn tại các làng nghề mà chỉ mới bước đầu hình thành các hợp tác xã làng nghề dịch vụ tại làng. Ở những nơi ngành nghề phát triển, mật độ dân số rất cao, đất dành cho sản xuất nông nghiệp rất ít, bình quân 141 m2/hộ, trong đó có những nơi rất thấp như làng nghề làm hương đen Long Vân (Tiên Du – Bắc Ninh) chỉ có 28 m2/hộ, Ninh Hiệp 23 m2/hộ. Nhiều làng nghề cần diện tích lớn cho sản xuất như Bát Tràng cũng chỉ đạt bình quân 405 m2/hộ. Bên cạnh đó, thiết bị sử dụng trong các làng nghề hầu hết là loại cũ, mua từ Trung Quốc hoặc mua thanh lý từ các nhà máy, một số là sản phẩm tự chế. Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện 70% số thiết bị được sử dụng tại các làng nghề là máy móc, trang thiết bị đơn giản. Vì các thiết bị lạc hậu, chấp vá nên năng suất lao động thấp và mức độ gây ô nhiễm môi trường cao ngày càng cao.

Vốn đầu tư ít: Hiện nay vốn của các hộ, cơ sở làng nghề còn nhỏ nên thiếu vốn để nâng cao chất lượng và mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo con số thống kê, tại các làng nghề Hà Nội và các tỉnh lân cận, qui mô vốn như sau: Tính chung có tới 51,6% số hộ có vốn dưới 55 triệu đồng, 27,3% số hộ có vốn dưới 10 triệu đồng. Quy mô lao động bình quân các hộ sản xuất là từ 6 – 8 lao động trong đó có từ 2 – 3 người làm thuê. Điều này được lý giải bởi: Trước hết, những hộ sản xuất không có khả năng huy  động vốn lớn, chủ yếu được huy động trong gia đình, họ hàng, bạn bè…trong khi thu nhập của người nông dân đang còn thấp. Hơn nữa, nhu cầu về vốn của họ không quá lớn do hầu hết là người trong gia đình, họ hàng hay thuê thợ ngoài với giá rẻ nên áp lực tiền lương không lớn. Hơn nữa, chu kỳ sản xuất ngắn nên có thể quay vòng vốn nhanh.

Không có hệ thống xử lý môi trường: Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề không có hệ thống xử lý chất thải trước khi thải ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó, hầu hết các làng nghề không có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu gom và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường như không có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, không có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, không đầu tư phương tiện thu gom quản lý chất thải nguy hại.

Và ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp ngày càng nghiêm trọng

“Hơn 90% làng nghề trên cả nước vi phạm pháp luật về môi trường" – Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C36 - Bộ Công an) tại một cuộc hội thảo năm 2009 khiến nhiều người phải giật mình. Kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian gần đây cho thấy mức độ ô nhiễm của các làng nghề có xu hướng tăng khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% là từ bụi; 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất. Mặt khác, kết quả khảo sát 52 làng nghề cho thấy, 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng ở cả 3 dạng; 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ. Đáng chú ý là nước thải hàm lượng COD và BOD5 trong nước thải của các làng nghề này thường vượt tiêu chuẩn từ 2 đến 8,5 lần. Tình trạng chung đối với các làng nghề là chất thải rắn không được thu gom, xử lý mà xả thẳng vào môi trường.

Tại nhiều làng nghề, tỉ lệ người mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2008 cho biết, tại các làng sản xuất kim loại, tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Đối với các làng tái chế giấy, cho thấy 16% - 53,7% dân số bị mắc bệnh phổi, ngoài da, thần kinh do chịu sức ép từ khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, hóa chất và các khí độc như Cl2, H2S... Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, tỉ lệ người mắc các bệnh về đường ruột với 58,8% dân số, đường hô hấp là 44,4% dân số.

Tiếp cận Sản xuất sạch hơn (SXSH) với làng nghề

Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) được triển khai tại Việt Nam từ năm 2005 – 2011 với sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch, khối làng nghề cũng là một trong những đối tượng ưu tiên thực hiện các hỗ trợ SXSH. Tuy nhiên sau 5 năm triển khai, mới chỉ có 2 làng nghề được nhận những hỗ trợ từ Hợp phần. Theo thống kê, tiềm năng SXSH tại khu vực này có thể đạt mức 15 – 40% tùy từng ngành nghề cụ thể. Theo tính chất, một số nhóm giải pháp SXSH có thể áp dụng tại làng nghề như sau:

Quản lý nội vi: là một loại giải pháp đơn giản nhất của SXSH. Quản lý nội vi không đòi hỏi chi phí đầu tư và có thể được thực hiện ngay sau khi xác định được các giải pháp. Các ví dụ của quản lý nội vi có thể là khắc phục các điểm rò rỉ, đóng van nước hay tắt thiết bị khi không sử dụng dể tránh tổn thất. Với đặc điểm quy mô sản xuất nhỏ, diện tích sản xuất không lớn và máy móc thiết bị lạc hậu, áp dụng các giải pháp quản lý nội vi sẽ đặc biệt hiệu quả trong hoạt động sản xuất tại làng nghề. Trên thực tế, nhóm giải pháp quản lý nội vi là nhóm chiếm 30% các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Giải pháp quản lý nội vi đòi hỏi sự quan tâm của chủ hộ sản xuất, đào tạo công nhận và tạo ra nếp trong quá trình làm việc. Thực tế áp dụng quản lý nội vi tại làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội cũng đã ghi nhận được một số kết quả tích cực.

Kiểm soát quá trình tốt hơn để đảm bảo các điều kiện sản xuất được tối ưu hoá về mặt tiêu thụ nguyên liệu, sản xuất và phát sinh chất thải. Các thông số của quá trình sản xuất như nhiệt độ, thời gian, áp suất, pH, tốc độ… cần được giám sát và duy trì càng gần với điều kiện tối ưu càng tốt. Với đặc điểm trình độ lao động trong sản xuất làng nghề rất thấp, ý thức và nếp sản xuất công nghiệp không cao. Vì vậy định mức tiêu thụ nguyên liệu/tấn sản phẩm của làng nghề thường rất cao, gây lãng phí nguyên nhiên liệu.  Vì vậy nhóm giải pháp kiểm soát quá trình tốt hơn sẽ  rất hiệu quả đối với sản xuất làng nghề. Cũng như với quản lý nội vi, việc kiểm soát quá trình tốt hơn đòi hỏi các quan tâm của chủ hộ sản cũng như việc giám sát ngày một hoàn chỉnh hơn.

Thay đổi nguyên liệu đầu vào là việc thay thế các nguyên liệu đang sử dụng bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Thay dổi nguyên liệu còn có thể là việc mua nguyên liệu có chất lượng tốt hơn để đạt được hiệu suất sử dụng cao hơn. Giải pháp này có tiềm năng áp dụng tại các làng nghề sơn mài, mỹ nghệ, mạ… có sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất. Theo kinh nghiệm của một số làng nghề ở làng nghề cơ khí Vân Chàng, Đồng Côi tỉnh Nam Định cho thấy, thay thế dung dịch mạ cyanua (CN-) bằng dung dịch mạ ammonium (NH4+) là một phương pháp không chỉ an toàn mà còn giúp giảm lượng axit trong sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Có thể giảm nồng độ hóa chất trong khâu tẩy rỉ từ 8-10% HCl xuống 4-5% HCl với hiệu quả tẩy như nhau bằng cách làm ấm dung dịch tẩy lên 25-300C.

Thay đổi sản phẩm là việc xem xét lại sản phẩm và các yêu cầu đối với sản phẩm đó. Nếu có thể thay một cái nắp đậy kim loại đã được sơn bằng một cái nắp đậy bằng nhựa cho một số sản phẩm nhất định thì đã tránh được các vấn đề về môi trường cũng như các chi phí để sơn hoàn thiện nắp đậy đó. Cải thiện thiết kế sản phẩm có thể đem lại tiết kiệm về tiêu thụ nguyên liệu và lượng hoá chất độc hại sử dụng. Giải pháp này đã được áp dụng thành công thông qua chương trình sản xuất sạch hơn vì sản phẩm tốt hơn (CP4BP) do Cộng đồng Châu Âu (EC) tài trợ từ năm 2007 đến năm 2009 tại một số công ty sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ như công ty Trúc Xinh, Công ty An Đô, Công ty Xuân Hòa…

Đức Tuệ