Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 08:01 GMT+7

Tin hoạt động

Đề án điểm: Nét mới của khuyến công quốc gia

16/04/2018

Trong kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2018, Sở Công Thương Bắc Ninh đã trình, phê duyệt đề án điểm “Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2018-2020”. Đề án được triển khai trong vòng 3 năm với nhiều nội dung thực hiện như: Hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 15 doanh nghiệp (DN) ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, đổi mới công nghệ giúp cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; hỗ trợ nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 2 DN; hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp đa nghề Đông Phong; đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý các cấp của DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tổng kinh phí thực hiện đề án là 68,31 tỷ đồng.
 
Còn Sở Công Thương Bình Định thì chọn lĩnh vực chế biến thủy sản - vốn là thế mạnh của tỉnh - để xây dựng đề án khuyến công điểm giai đoạn 2018-2020 với nguồn kinh phí thực hiện tới 114 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đề án hỗ trợ triển khai khá toàn diện từ đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải và xúc tiến đầu tư vào cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến thủy sản Cát Khánh, huyện Phù Cát; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cho cơ sở DN… đến xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến thủy sản. Xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm là định hướng được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) rốt ráo thực hiện với mục tiêu tạo điểm nhấn và bước đột phá mới cho chương trình khuyến công quốc gia.
 
Qua nội dung đề án của các địa phương cũng cho thấy, đề án đều được xây dựng trên lĩnh vực thế mạnh và có tác động lớn tới sức phát triển kinh tế của tỉnh. Bắc Ninh là một điển hình, CNHT được xác định là hướng phát triển mang tính bền vững. Trên địa bàn tỉnh hiện có 418 DN hoạt động trong các ngành CNHT. Tuy nhiên, DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm số đông với 272 DN; DN trong nước chỉ chiếm số lượng nhỏ và chỉ tham gia ở khâu đóng gói, bao bì. Các DN trong nước cũng chủ yếu làm nhà cung cấp 2, 3 cho các tập đoàn đa quốc gia trên địa bàn tỉnh mà chưa thể trở thành các đối tác trực tiếp. Do đó, đề án này là giải pháp trọng tâm, góp phần tháo gỡ những nút thắt trên bởi tác động trực tiếp tới cả hoạt động sản xuất, quản trị và nhân lực của DN .
 
Thực tế cho thấy, sau nhiều năm triển khai chương trình khuyến công quốc gia, các địa phương đã phản ánh gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp trong khi vốn đầu tư của DN cao hơn gấp nhiều lần. Điều này đã làm giảm dần sức hút của chương trình khuyến công. Các đề án điểm với nguồn kinh phí thực hiện lớn sẽ có đủ nguồn lực cho các địa phương đầu tư “ra tấm ra món” và tạo sức bật đủ mạnh cho một ngành nghề thế mạnh thay đổi rõ rệt.
 
Bên cạnh đó, Cục Công Thương địa phương kỳ vọng, hình thành nên cụm CNHT theo cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng DN đầu tàu, dẫn dắt các DN khác tại địa phương và lân cận.
 
Được biết, Cục Công Thương địa phương đang phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai nhanh các đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2018 - 2020. Tiến tới tổng kết, đánh giá hiệu quả 3 năm thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia giai đoạn tới.
 
Bên cạnh các đề án khuyến công quốc gia điểm, Bộ Công Thương còn thực hiện nhiều chương trình khác như xúc tiến thương mại, thương hiệu quốc gia... nhằm hỗ trợ phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn và các làng nghề tại các địa phương trên cả nước.

Nguồn: baocongthuong.com.vn