Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cơ hội lớn nhất mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cho doanh nghiệp chính là được tiếp cận công nghệ ở một trình độ cao hơn, tự động hóa nhiều hơn. Bên cạnh đó, thách thức cũng không nhỏ nếu như vẫn duy trì công nghệ sản xuất lạc hậu, thâm dụng lao động, khả năng cạnh tranh giảm, lâu dần dễ dẫn đến nguy cơ giải thể, phá sản. Do đó, doanh nghiệp cần phải thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, thay đổi mô hình quản trị và cần có sự đầu tư về công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ở lĩnh vực thực phẩm, việc ứng dụng công nghệ vào trong quy trình giết mổ, sản xuất, chế biến là vô cùng cần thiết. Theo ông Nguyễn Ngọc An-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), vì đó là yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm đầu ra, giảm giá thành sản xuất và nâng cao được tính cạnh tranh của sản phẩm và thương hiệu công ty trên thương trường. Do đó, để đón đầu cho làn sóng công nghệ này, công ty đã có kế hoạch đầu tư hệ thống nhà máy sản xuất mới với quy trình khép kín, tự động hóa. Đặc biệt là trang bị cả những robot để tham gia vào các dây chuyền sản xuất: “Trong đầu tư đổi mới này chúng tôi đã có chủ đích về vấn đề ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong đầu tư các dây chuyền giết mổ cũng như dây chuyền chế biến. Chúng tôi sẽ quản trị các dây chuyền này theo hướng truy xuất nguồn gốc. Các dây chuyền này phù hợp có tính trước để sau này chúng tôi sẽ tăng năng suất mạnh hơn nữa bằng trang bị những thiết bị robot tự động. Và dĩ nhiên việc đầu tư này sẽ phải có một lộ trình phù hợp”.
Cùng với sự chủ động ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, việc kết nối, tương tác với khách hàng và đối tác sẽ thuận tiện hơn nếu như doanh nghiệp quản trị bằng công nghệ số. Điều này sẽ rút ngắn được thời gian vận hành, hoàn thiện sản phẩm và đạt được sự hài lòng cho cả đôi bên. Lấy ví dụ thực tế từ công ty mình, ông Huỳnh Tấn Lộc-Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Limo cho biết: “Nếu chúng tôi không thay đổi thì chúng tôi sẽ thụt lại phía sau. Tức là chúng tôi xác định mãng công nghệ là yếu tố quan trọng nên tập trung đầu tư vào con người, máy móc, thiết bị, hạ tầng, đội ngũ IT. Công nghệ này nó hỗ trợ từ nhà cung cấp đến chúng tôi là nhà sản xuất và đến khách hàng là nhà xe với giá thành phù hợp, tốt nhất. Có thể điều hành công ty mọi lúc mọi nơi, từ khâu sản xuất đến dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng”.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sớm nhận ra được lợi ích, cơ hội này vì còn phải phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư và tư duy chịu đổi mới. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc chủ động thích ứng với làn sóng công nghệ 4.0 là cần thiết giúp doanh nghiệp bắt kịp xu thế phát triển và là cơ hội để tiến sâu hơn vào trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì thực tế cho thấy, với sự kết nối của các tập đoàn, công ty đa quốc gia thì doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có cơ hội thừa hưởng công nghệ hiện đại với chi phí thấp, có cơ hội được hợp tác đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, nhận định: “Cần phải tái cấu trúc đầu tư hai mãng trong cuộc cách mạng này, thứ nhất là cách mạng về nhận thức, thứ hai là cách mạng về đầu tư công nghệ. Đây là một thách thức rất lớn nhưng tôi nghĩ đã đến lúc doanh nghiệp cần phải xem xét lại. Hệ thống công nghệ rất rộng, từ những thiết bị, phần mềm, mạng để quản lý thông qua hệ thống ITI. Có thể với một quy mô cực lớn thì doanh nghiệp chưa thể làm được nhưng mà những thiết bị, những khâu, công đoạn, linh kiện, phương tiện, dụng cụ cần thiết thì phải làm ngay”.
Đồng hành với doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp từ phía Nhà nước về thủ tục, giấy phép và cả sự hỗ trợ về vốn. Chia sẻ bên lề một cuộc hội thảo mới đây về cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, TP đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để đầu tư đổi mới công nghệ, đặc biệt là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, hàm lượng nghiên cứu khoa học, chất xám cao:
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ phải hết sức chủ động để tìm ra chiến lược phát triển lâu dài. Hướng tới thực hiện xu hướng chung của thế giới là ứng dụng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo vào trong sản xuất kinh doanh, phát triển với một thế mạnh theo đặc thù của TP. Nhà nước với vai trò kiến tạo của mình sẽ tạo mọi điều kiện để những giải pháp và những sản phẩm của doanh nghiệp đưa vào thị trường. Đặc biệt là thực hiện những giải pháp về công nghệ để giúp TP phát triển cũng như sự thử thách, nếu thành công ở TP thì cũng có nghĩa là chúng ta có những sản phẩm để vươn ra nước ngoài”.
Trong cuộc cách mạng 4.0 doanh nghiệp phải nhận ra thế mạnh của riêng mình để có quyết định đúng đắng nhất. Sự thích ứng đúng sẽ đẩy sức mạnh và thế cạnh tranh của doanh nghiệp lên một vị trí cao hơn, dễ dàng tiến sâu hơn vào trong chuỗi giá trị toàn cầu.