Chương trình này được tổ chức với mục tiêu nâng cao kỹ năng giảng dạy/thuyết trình, làm việc nhóm và kỹ năng điều hành cuộc họp cho các học viên để họ có khả năng thúc đẩy việc áp dụng những kỹ năng này vào việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về SXSH trong công nghiệp cho các cấp, ngành, địa phương, cơ sở sản xuất công nghiệp và cộng đồng dân cư một cách có hiệu quả.
Trong số 75 ứng viên đã được đề cử tham gia chương trình đào tạo giảng viên nâng cao tại cả ba miền trong năm 2011, có 26 học viên miền Bắc, 16 học viên miền Trung và 33 học viên miền Nam. Đây đều là các cán bộ Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và chuyên gia tư vấn độc lập đã tham gia các khóa đào tạo kỹ năng tư vấn SXSH hoặc đào tạo giảng viên SXSH do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2008 đến năm 2010.
Ông Trần An – Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn EPRO cho biết, trên quan điểm cơ bản là “tăng cường sự tham gia của người học”, khóa đào tạo thực hiện theo phương pháp giảng viên là người tổ chức, hướng dẫn các hoạt động, học viên tích cực tham gia vào các hoạt động để nắm bắt kiến thức và rèn luyện kĩ năng. Khóa tập huấn đã vận dụng kết hợp nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học khác nhau như: phương pháp làm việc nhóm, đàm thoại, trò chơi học tập, thảo luận nhóm/lớp, động não, tự nghiên cứu tài liệu… Sự chủ động và hòa nhập của các học viên dưới sự dẫn dắt, gợi mở của các giảng viên dày dạn kinh nghiệm đã giúp các khóa tập huấn diễn ra sôi nổi, hào hứng và hiệu quả.
Ông An cho biết thêm, để cải thiện kỹ năng thuyết trình, mỗi học viên có cơ hội thực hành thuyết trình về các chủ đề SXSH trong hai lần trước và sau khi được giới thiệu về các nguyên tắc & kỹ năng thuyết trình. Sau mỗi bài thuyết trình, mỗi học viên sẽ được toàn bộ các học viên và giảng viên đánh giá và chấm điểm thông qua các phiếu nhận xét bài trình bày, qua đó học viên sẽ thấy được các điểm mạnh và điểm yếu cũng như mức độ tiến bộ của bản thân qua hai bài thực hành. Việc các học viên tự đánh giá lẫn nhau giúp họ hiểu được khả năng của mình đang được đánh giá ở mức nào trong mắt các bạn đồng nghiệp.
Nhằm gắn kết hoạt động tư vấn sát với thực tế, các giảng viên đã xây dựng hệ thống chủ đề đào tạo chủ yếu tập trung vào việc nâng cao kỹ năng đào tạo và các phương pháp kỹ thuật cho học viên, nhằm giúp học viên sẵn sàng tham gia đào tạo và có đủ năng lực thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp và các cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Đây có thể coi là điểm yếu nhất của các học viên. Bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Chuyên viên Vụ KHCN, Bộ Công Thương nhận xét, qua khảo sát, hầu hết các học viên đều thấy kỹ năng thuyết trình là điểm yếu nhất cần khắc phục của các tư vấn viên. Nếu khả năng thuyết trình tốt, các tư vấn viên sẽ tăng độ tự tin lên rất nhiều và cũng rất thuận lợi trong quá trình tác nghiệp, đàm phán với các đối tác.
Sau mỗi nội dung đào tạo trong suốt chương trình, các học viên được yêu cầu thực hành với sự hỗ trợ của giảng viên nhằm mục đích bổ trợ các kỹ năng như kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng điều hành cuộc họp.
Qua quan sát kết quả áp dụng thực hành kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm lần đầu (chưa có sự chia sẻ kinh nghiệm của giảng viên), điều nổi lên là học viên còn nhiều hạn chế trong việc thuyết trình và làm bài tập nhóm như chưa biết cách mở bài thuyết trình một cách ấn tượng, chưa tận dụng giao tiếp phi ngôn từ và đặc biệt là chưa huy động được sự tham gia của các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, sau khi được giảng viên chia sẻ kinh nghiệm về những nội dung trên, hầu hết các học viên đều có sự tiến bộ và tham gia tích cực vào các trò chơi nhóm cũng như luyện tập để nâng cao kỹ năng thuyết trình của mình. Việc đánh giá kỹ năng trình bày của từng học viên được giảng viên và tất cả các học viên trong lớp đánh giá, kết quả điểm đánh giá trung bình bài trình bày của học viên của mỗi lớp được ghi lại và xếp theo thứ tự từ cao đến thấp.
Kết quả khảo sát sau khóa học cho thấy, hoạt động làm việc nhóm và luyện tập kỹ năng thuyết trình được yêu thích hơn hoạt động chia sẻ nội dung đào tạo trên lớp. Cũng theo đánh giá chung của học viên thì phần đánh giá kỹ năng thuyết trình của học viên lần 2 (sau khi được giảng viên chia sẻ kỹ năng thuyết trình), phần bài tập nhóm thể hiện kỹ năng thuyết trình thông qua việc sử dụng giao tiếp phi ngôn từ (trừ giọng nói) để diễn đạt họ là ai và thảo luận tại lớp được học viên đánh giá là hài lòng nhất so với các phần bài tập nhóm còn lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, Chánh văn phòng Ban Điều hành giúp việc Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 khẳng định: Nhận thức rõ vai trò của công tác tư vấn trong việc đẩy mạnh triển khai SXSH trong các đơn vị, doanh nghiệp, trong thời gian tới, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho một số doanh nghiệp điển hình để làm mô hình trình diễn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao năng lực phổ biến và tư vấn SXSH cho các cơ quan chủ chốt tại trung ương và địa phương, đồng thời tăng cường đội ngũ chuyên gia tư vấn để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.