Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chủ tịch UBND xã, năm 2004, làng làm mì khô Hùng Lô đã được công nhận đạt tiêu chí làng nghề. Trước đây 80% cơ sở sản xuất tại Hùng Lô không có hệ thống xử lý chất thải, máy móc thô sơ lạc hậu, ảnh hưởng môi trường nhưng từ khi áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn vào sản xuất, ý thức người dân chuyển biến tích cực. Khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, người dân mạnh dạn đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Việc áp dụng sản xuất sạch hơn giúp tiết kiệm khoảng 10% chi phí nguyên liệu, năng suất tăng trên 20%, các hệ thống thoát nước, xử lý khói bụi ở từng cơ sở đã giảm thiểu đáng kể lượng khí, chất thải...
Tháng 6 - 2016, Hợp tác xã mì gạo Hùng Lô (HTX) chính thức được thành lập dựa trên nền tảng “Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Đoàn Kết” với ngành nghề, kinh doanh và sản xuất mì gạo, phở khô, bún khô. Quyền thương hiệu được đăng ký, 9 thành viên HTX cùng nhau liên kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và chung vốn đầu tư dây chuyền sản xuất mì, phở khô, bún khô sạch.
Các công đoạn sản xuất của HTX đều đảm bảo nghiêm ngặt quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm mì, phở, bún khô sạch của người dân Hùng Lô không sử dụng chất tẩy rửa, phụ gia và chất bảo quản nên ngày càng được nhiều người biết đến, thương lái về tận nơi lấy hàng xuất bán đi các tỉnh, thành trong cả nước. Anh Cao Văn Minh - chủ cơ sở sản xuất mì gạo cho biết: “Để chủ động trong sản xuất và kinh doanh, tôi vay vốn đầu tư máy móc mở rộng sản xuất. Đến nay, xưởng hoạt động hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với thu nhập 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng”. Không chỉ gia đình anh Minh, còn rất nhiều gia đình khác trong xã đầu tư mua máy móc sản xuất mì gạo, phở khô, bún sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tháng 8 - 2017, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Mì gạo Hùng Lô” chính thức được công nhận, do HTX mì gạo Hùng Lô là chủ sở hữu, được Nhà nước bảo hộ.
Nhờ áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm của HTX được cải thiện rõ rệt, sản phẩm làm ra ngon, sạch, được thị trường ưa chuộng. Trên bao bì sản phẩm có in rõ tem nhãn, logo được Nhà nước bảo hộ, nơi sản xuất, địa chỉ, ngày sản xuất, hạn sử dụng... Theo anh Cao Đăng Duy, giám đốc HTX mì gạo Hùng Lô, tuy cùng mua máy ở một nơi nhưng sản phẩm làm ra khác nhau, điều này do người dân biết cải tiến, áp dụng KHKT vào sản xuất để có sản phẩm chất lượng. Vì vậy, các cơ sở sản xuất của HTX luôn được nhiều người dân ở các địa phương khác đến tham quan, học hỏi và làm theo. Hiện nay, mỗi tháng HTX xuất bán 50 - 60 tấn sản phẩm, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương. Tháng 1 - 2018, HTX mì gạo Hùng Lô tiếp tục đầu tư, đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống sấy mì trị giá hơn 200 triệu đồng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thời gian tới, xã Hùng Lô tiếp tục tạo điều kiện để các hộ sản xuất, được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, vào sản xuất góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường bền vững.
Nguồn: baophutho.vn