Một số kết quả bước đầu về việc chuyển đổi công nghệ mới trong sản xuất gạch ngói ở An Giang
Từ năm 2005, Sở KH&CN tỉnh An Giang (AG) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng những tiến bộ KH&CN vào sản xuất và tỉnh đã ban hành Chương trình hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao các tiến bộ KHCN trên địa bàn tỉnh AG giai đoạn 2011 - 2015 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất đầu tư chuyển giao công nghệ mới nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất gạch ngói được đầu tư thay đổi công nghệ, bước đầu cho nhiều kết quả mở ra triển vọng đẩy nhanh chương trình chuyển đổi công nghệ trên lĩnh vực này hiện nay.
Đi đầu trong việc chuyển đổi lò gạch thủ công sang lò gạch sản xuất kiểu mới phải nói đến cơ sở sản xuất gạch ngói Trần Thanh Giang ở xã Long Giang, huyện Chợ Mới. Sau khi được Sở Khoa học, công nghệ, Sở Tài nguyên & môi trường hướng dẫn tham quan các mô hình công nghệ mới, ông Trần Thanh Diễn – chủ cơ sở sản xuất gạch ngói Trần Thanh Giang đã đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng lò nung gạch Hoffman, vừa sản xuất sạch vừa tiết kiệm năng lượng và đã được Sở Khoa học và Công nghệ An Giang hỗ trợ 130 triệu đồng. Có thể nói, đây là cơ sở tiên phong trong việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị khá quy mô theo công nghệ “Lò nung Hoffman”, một trong những công nghệ mới kiểu lò nằm, sản xuất gạch tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cho ra sản phẩm có chất lượng tốt. Lò nung Hoffman thiết kế 2 dãy, mỗi dãy có 12 khoang gạch với 13 cửa đốt. Gạch được xếp vào lò tách từng khoang qua các cửa đốt. Gạch được đốt từng khoang theo chiều ngược kim đồng hồ, hết dãy này qua dãy kia. Lửa được dẫn đi bằng hệ thống quạt hút và van hơi. Để đốt chín 1 khoang mất từ 3 - 6 giờ, tùy thuộc vào chất đốt và tốc độ gió đi. Do quá trình đốt tuần hoàn nên mỗi ngày lò cho ra sản phẩm từ 45 -50 ngàn viên. Qua thử nghiệm công suất có thể đạt 15 triệu viên/năm, tỷ lệ hao nhiên liệu trấu dưới 250gram/kg gạch, tiết kiệm nhiên liệu trấu từ 50-60%. Đặc biệt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất lượng gạch sau nung đạt tiêu chuẩn TCVN 1450:1998 đối với gạch rỗng và TCVN 1451:1998 đối với gạch đặc, tỷ lệ hao hụt thấp. Qua thực tế khảo sát, Hội đồng cấp tỉnh đồng ý nghiệm thu mô hình chuyển giao “lò nung gạch kiểu Hoffman” của cơ sở sản xuất gạch ngói Thanh Giang, bởi vừa có hiệu quả kinh tế, vừa ý nghĩa xã hội và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn. Với công suất thiết kế 15 triệu viên/năm (tương đương 8 lò thủ công, công suất 12 triệu viên/năm), giảm công nhân lao động từ 10 người xuống còn 3, giảm chi phí sản xuất ở khâu vận hành lò gần 500 ngàn đồng/ngày. Từ những hiệu quả kinh tế trên, hiện nay ông Diễn tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng và xây thêm 2 lò nung gạch theo mô hình công nghệ kiểu mới này để đáp ứng nhu cầu và tính cạnh tranh của thị trường hiện nay.
Hoạt động sản xuất gạch ngói ở An Giang trong thời gian qua phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Hiệu quả của hoạt động sản xuất gạch ngói đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển KT – XH của tỉnh, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động và cung cấp nguồn nguyên liệu xây dựng cho các công trình trong và ngoài tỉnh. Hiện tại với hơn 600 cơ sở sản xuất gạch ngói, với gần 1.700 lò thủ công, sản lượng đạt trên 750 triệu viên gạch ngói các loại/năm. Khối lượng đất sử dụng để sản xuất khoảng 770 ngàn m3/năm, giải quyết việc làm cho gần 15 ngàn lao động, hiệu quả là vậy, bên cạnh đó vấn đề ô nhiễm môi trường nẩy sinh trong quá trình sản xuất gạch đã đặt ra nhiều vấn đề mâu thuẫn trong cộng đồng. Cuối năm 2011, Sở KH&CN Sở TN&MT tỉnh đã hướng dẫn 08 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch ngói thủ công triển khai thử nghiệm các công nghệ mới, chủ yếu là mô hình lò nung gạch kiểu đứng, lò gạch kiểu Thái Lan, lò gạch đốt trấu cải tiến, lò nung gạch hoffman, tập trung ở huyện Chợ Mới, Châu Thành và Châu Phú. Những công nghệ này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu. Trong đó, mỗi cơ sở được tỉnh hỗ trợ từ 60 triệu đến 200 triệu đồng, tùy theo qui mô đầu tư, trong đó huyện Chợ Mới có 5 cơ sở, huyện Châu Thành 01 cơ sở và Châu Phú 02 cơ sở.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi lò gạch thủ công sang lò công nghệ mới của tỉnh, Sở KH&CN, Sở TN&MT tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham quan học tập các mô hình sản xuất gạch ngoài tỉnh để đưa về áp dụng tại địa phương. Trong đó, 3 cơ sở sản xuất gạch: Trần Quang Văn, Thanh Liêm và Phan Thanh Giang (xã Long Giang, Chợ Mới) đã xây dựng công nghệ lò nung gạch Hoffman thân thiện với môi trường đã khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. Tổng kinh phí đầu tư 1,2 tỷ đồng/lò. Mỗi cơ sở được hỗ trợ 130 triệu đồng. Qua vận hành, lò sử dụng được nhiều loại nhiên liệu, nung được nhiều loại gạch, công suất lò lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, màu sắc đẹp; tỷ lệ gạch hao hụt thấp nên rất được các cơ sở ưa chuộng. Theo kế hoạch, hàng năm tỉnh sẽ ưu tiên bố trí khoảng 40% kinh phí từ nguồn sự nghiệp KH&CN để triển khai hỗ trợ các mô hình, dự án được xét duyệt hỗ trợ trong chương trình hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh AG giai đoạn 2011 -2015.
Có thể nói, việc chọn lựa mô hình, kiểu mẫu phù hợp với mỗi cơ sở doanh nghiệp sản xuất là tùy thuộc vào năng lực của mỗi đơn vị. Bà Định Thị Việt Huỳnh – PGĐ Sở KH&CN tỉnh AG cho biết, Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục giới thiệu và hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công có nhu cầu đổi mới công nghệ theo tinh thần Quyết định 538 của UBND tỉnh An Giang ngày 31/3/2011. Phấn đấu hỗ trợ 100 mô hình, dự án nghiên cứu ứng dụng đổi mới, công nghệ và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2015, góp phần phát triển năng lực cạnh tranh của sản phẩm gạch ngói trên thị trường.
Trước nhu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện nay, đổi mới công nghệ sản xuất tiên tiến là giải pháp quan trọng để thay thế các lò gạch thủ công truyền thống, đồng thời tiết kiệm đáng kể nguồn nguyên liệu chất đốt, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hy vọng rằng, các địa phương và Sở, ban ngành tỉnh cần đẩy mạnh việc giới thiệu, tập huấn cũng như tổ chức tham quan mô hình mới có hiệu quả, bên cạnh đó tham mưu đề xuất các giải pháp mạnh hơn để các cơ sở gạch ngói mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang đặt ra ở một số vùng nông thôn hiện nay.