Thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND
ngày 15/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về Sản xuất sạch
hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011-2015;
năm 2012 Sở Công Thương Tiền Giang đã hỗ trợ về kỹ thuật áp dụng sản
xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp và đạt được những kết quả như sau:
Từ tháng 7/2012 đến tháng 10/2012, Sở Công Thương Tiền Giang phối hợp
với Trường Đại học Bách Khoa – TP.Hồ Chí Minh để hỗ trợ tư vấn đánh giá
nhanh SXSH cho 06 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị được lựa
chọn gồm DNTN SD (CCN Trung An), Công ty CP Dược phẩm Tipharco (TP. Mỹ
Tho), Công ty CP Nông thủy sản Việt Phú (KCN Mỹ Tho), Công ty TNHH Gạch
Ngọc Qui (huyện Châu Thành), Công ty TNHH Trinity Việt Nam (CCN Tân Mỹ
Chánh), Công ty CP In Tiền Giang (TP. Mỹ Tho).
Nội dung của hoạt động đánh giá nhanh SXSH tại doanh nghiệp bao gồm:
+ Khảo sát nhanh quá trình sản xuất và đánh giá hiện trạng môi trường;
+ Thiết lập hệ thống quan trắc số liệu và xây dựng các định mức tiêu
thụ trên toàn nhà máy (nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, nước…);
+ Đánh giá định mức tiêu thụ đầu vào (nguyên nhiên vật liệu thô, năng
lượng, nước…), đầu ra (sản phẩm, phát thải liên quan và tải lượng ô
nhiễm), thiết lập sơ đồ dòng cân bằng vật chất và năng lượng;
+ Thảo luận các tồn tại cần cải thiện trong toàn bộ quy trình sản xuất
của nhà máy (nguyên nhân phát sinh dòng thải, tiêu tốn năng lượng),
nhận dạng các cơ hội áp dụng SXSH, từ đó đề xuất các giải pháp SXSH khả
thi về mặt kinh tế và môi trường.
+ Ước tính sơ bộ các khoản chi phí có thể tiết kiệm hàng năm thông qua
việc áp dụng SXSH và các yêu cầu khi tiến hành đánh giá chi tiết SXSH.
Kết quả đạt được là báo cáo đánh giá nhanh SXSH đưa ra những đánh giá
sơ bộ và giải pháp phù hợp với mỗi doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào
giải pháp:
+ Quản lý nội vi (bố trí mặt bằng sản xuất hợp lý, có bảng hướng dẫn ở
các khu vực làm việc; có kế hoạch định kỳ bảo trì bảo dưỡng thiết bị;
nâng cao ý thức trách nhiệm của công nhân; áp dụng 5S trong các khâu tổ
sản xuất);
+ Tiết kiệm điện năng (thay thế bóng T8, T10 bằng bóng Compact tiết
kiệm diện; lắp đặt đồng hồ điện tại từng khu vực để dễ kiểm soát tiêu
thụ và thất thoát điện; định mức tiêu hao điện/sản phẩm; sử dụng nguồn
năng lượng tái tạo thay thế điện năng như năng lượng mặt trời);
+ Nâng cao hiệu quả việc xử lý môi trường (lắp đặt hệ thống xử lý nước
thải đạt tiêu chuẩn, lắp đặt tấm lưới tại các cửa ống thu gom nước thải
hạn chế chất thải rắn);
+ Kiểm soát quá trình tốt hơn (bảo ôn các bề mặt nóng lạnh; gắn các đầu
dò nhiệt để kiểm soát nhiệt độ của hệ thống lạnh, thu hẹp biên dao động
nhiệt độ; thu hồi nhiệt dư; tận dụng nước ngưng).
Hầu hết các giải pháp đề xuất cho Công ty đều là các giải pháp đơn giản
không tốn chi phí hoặc có vốn đầu tư thấp, nếu Công ty quan tâm thực
hiện các giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Một số giải pháp
đòi hỏi có sự theo dõi phân tích chi tiết hơn về mặt kinh tế, kỹ thuật
và môi trường thì cần được quan tâm trong đánh giá SXSH chi tiết
Trong quá trình triển khai đánh giá
nhanh SXSH tại các doanh nghiệp, nhóm tư vấn gặp một số khó khăn như:
các số liệu quan trắc theo dõi lượng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và
sản phẩm của đơn vị cung cấp chưa rõ ràng và xuyêt suốt để làm cơ sở
tính toán cân bằng vật chất và năng lượng. Ngoài ra, việc quản lý sản
xuất hầu như chỉ tập trung vào vài cán bộ, chưa có hệ thống quản lý
chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000.
Tóm lại, hoạt động đánh giá nhanh SXSH đã mang lại nhiều lợi ích cho
doanh nghiệp như giúp nhận dạng các vấn đề cần quan tâm trước mắt (giải
pháp quản lý nội vi, kiểm soát quá trình tốt hơn) có thể thực hiện
ngay, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện hiện trạng môi trường
và điều kiện làm việc của người lao động. Ngoài ra, thông qua hoạt động
này, doanh nghiệp đề ra kế hoạch thực hiện những giải pháp đầu tư lớn
nhằm mang lại các lợi ích kinh tế và môi trường cho đơn vị. Trong năm
2013, Sở Công Thương tiếp tục triển khai hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ
tư vấn kỹ thuật về SXSH cho các doanh nghiệp.