Tuy nhiên trong những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp như: xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các doanh nghiệp; xây dựng và từng bước giới thiệu tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng trong doanh nghiệp (ISO 50001), hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn.
Khó khăn lớn nhất nhằm đạt được mục tiêu tiết kiệm điện xuất phát từ cơ sở hạ tầng và nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Đặc biệt, sự thiếu hụt các thiết bị và phương tiện hiệu quả năng lượng, giá điện tương đối thấp dẫn tới thực trạng không thúc đẩy các doanh nghiệp cũng như chủ các cơ sở công nghiệp đầu tư vào tiết kiệm điện...
Để chương trình tiết kiệm năng lượng đối với ngành sản xuất công nghiệp có hiệu quả cần phải xây dựng một hệ thống giám sát, tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở sản xuất công nghiệp. Cụ thể như yêu cầu các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng trọng điểm phải thực hiện kiểm toán bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới và hoàn thành kế hoạch nhằm đạt được các kết quả về tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh việc triển khai thực thi luật, để đạt được mục tiêu tiết kiệm trong cơ sở sản xuất công nghiệp cần xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả trong các cơ sở công nghiệp mới, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án nâng cấp, cải tạo sử dụng năng lượng có hiệu quả.
Để đạt được mục tiêu tiết kiệm điện năng đối với một số ngành công nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng trọng điểm, trước mắt các doanh nghiệp cần phải xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Đồng thời, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn vào giờ cao điểm, không để các thiết bị điện hoạt động không tải. Mặt khác, chuẩn bị các nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xảy ra thiếu điện, xây dựng phương án tự cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện.
Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống quản lý và giám sát mức tiêu thụ điện năng trong sản xuất và kinh doanh, khuyến khích tiến tới bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng tiên tiến trên một đơn vị sản phẩm. Bên cạnh đó, thực hiện quản lý năng lượng, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập hệ thống quản lý năng lượng nhằm tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Kiểm toán năng lượng bắt buộc đối với các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng trọng điểm là việc làm vô cùng quan trọng.
Một số giải pháp tiết kiệm năng lượng cơ bản trong một số ngành sản xuất công nghiệp cụ thể:
Đối với ngành sản xuất xi măng: Cần che chắn, bịt kín các điểm phát sinh bụi, tăng công suất quạt hút, cải tạo hệ thống thiết bị tách bụi, điều chỉnh đủ lượng không khí cấp vào lò, bố trí cửa cấp gió thông lò, xây dựng kho có bao che để chứa nguyên nhiên liệu, tận dụng tiềm năng nhiệt khói lò để sấy sơ bộ nguyên liệu, sử dụng phế thải của ngành luyện kim ít độc hại...
Với ngành sản xuất gạch nung: Cần phun nước giữ độ ẩm đất trong quá trình ngâm ủ tại cửa nạp điện máy cán nhào, lắp hệ thống hút xử lý bụi tại khu phơi, cải tạo đường ống thu hồi nhiệt lò nung cấp cho lò sấy, lắp đặt hệ thống khử bụi, dùng quạt thổi ngược ở đầu lò ra gạch để thu hồi nhiệt, giảm nhiệt độ và bụi gạch ra lò...
Trong ngành đúc kim loại: Cần lựa chọn quặng và phế liệu chất lượng tốt, lắp đường ống thu hồi nhiệt lò nung cấp cho lò sấy phế liệu, lắp đặt hệ thống khử bụi và hơi khí độc, tối ưu hóa lò đốt, lắp đặt các thiệt bị kiểm soát tự động...
Trong ngành công nghiệp luyện thép hồ quang: Có thể áp dụng loại bỏ chất phi kim loại, băm chặt nhỏ nguyên liệu, vận hành lò điện chế độ siêu cao công suất, làm nguội tường lò và nắp lò bằng nước, nung sơ bộ thép phế làm giảm thời gian nấu luyện và giảm phát thải bụi, sử dụng hệ thống nước làm mát khép kín để tiết kiệm nước và giảm năng lượng cho bơm, tái sử dụng bụi lò điện, sử dụng công nghệ cháy sau kết hợp với xử lý khói...