Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 21:36 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất xanh, xu hướng tất yếu để phát triển bền vững

15/12/2017

Sản xuất xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu trong sản xuất công nghiệp, khi mà các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần trở nên cạn kiệt. Chẳng hạn như trong ngành công nghiệp ô tô, các hãng không chỉ sản xuất ra các dòng xe thân thiện với môi trường, mà họ còn đặc biệt chú ý đến các nỗ lực xanh hóa các khâu sản xuất. 
 
Nhờ mô hình sản xuất xanh mà hãng Ford của Mỹ đã tiết kiệm được 25% lượng nhiên liệu trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, nhiều nhà máy của Ford đã hoàn thành quy trình sản xuất không thải rác ra môi trường. Bên cạnh đó Ford còn sử dụng các vật liệu tái chế và các vật liệu có nguồn gốc từ tự nhiên như đậu nành, bông, gỗ, lanh, đay, và cao su tự nhiên. Việc xanh hóa sản phẩm và các khâu sản xuất là xu hướng ko thể đảo ngược nhằm giảm bớt các tiêu cực về môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên và giảm đáng kể chi phí như xử lý rác thải, nước thải.
 
Có rất nhiều lý do mà sản xuất xanh đã trở thành xu hướng tất yếu không thể đảo ngược hiện nay trong các nền sản xuất. Trong đó có hai yếu tố chính. Thứ nhất là do các vấn đề về môi trường như đã nêu. Thứ hai là do đòi hỏi của chính thị trường. Bởi chính bản thân người tiêu dùng hiện nay cũng rất ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. 
 
Theo khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thì có tới 75% người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đặc biệt là thế hệ sinh từ năm 1980 đến nay thì càng ưu tiên sử dụng những sản phẩm này. Con số thống kê này cũng tăng theo từng năm. 
Chính vì thế mà sản xuất xanh đang là yêu cần bắt buộc đối với các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam chúng ta cũng đang phát triển trong xu thế này. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thay đổi.
 
Tại Công ty CP Tân Tiến (Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng), trước đây khâu sấy gỗ được thực hiện tại các hầm sấy đốt củi, lấy nhiệt và khói dẫn trực tiếp vào để sấy gỗ nguyên liệu. Đây là công nghệ đã cũ, tốn nhiên liệu và khói thải từ lò đốt thì gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, chủ cơ sở này đã lắp 9 buồng sấy bằng hơi nước hiện đại. Buồng sấy hơi cũng giúp tận dụng tối đa phế phẩm giúp giảm tiêu hao điện năng. Mỗi năm trung bình cơ sở này tiết kiệm được hơn 3,8 tỷ đồng và đặc biệt là công nghệ tiên tiến, an toàn hơn cho sức khỏe con người và môi trường. 
 
Cũng tại miền Trung, nhiều doanh nghiệp ngay từ khi ra đời đã chọn hướng sản xuất xanh, an toàn với môi trường. Công ty TNHH MTV Mỹ Viên (Ninh thuận) là doanh nghiệp sản xuất gạch không nung. So với sản xuất gạch truyền thống, sản xuất gạch không nung đã giảm phát thải ô nhiễm rất nhiều. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sở hữu công nghệ tái chế những phế phẩm công nghiệp khác như tro bay, bụi bay từ nhà máy nhiệt điện. Lợi ích cho môi trường tăng lên gấp đôi. 
 
Đây là hai trong số hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam nhận được bảo lãnh trong chương trình hỗ trợ đầu tư xanh GIF của chính phủ Đan Mạch. Sản xuất xanh mở ra nhiều triển vọng giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và thích ứng với bối cảnh hiện nay. 
 
Đối mới công nghệ hướng tới sản xuất xanh mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Khảo sát gần đây của Nielsen cho thấy nếu những doanh nghiệp bình thường phát triển 1% thì những doanh nghiệp cam kết sản xuất xanh sẽ có mức tăng trưởng 4%. Đặc biệt là trong ngành thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng là từ 2,5% - 11,4%. Riêng với nhãn hàng của Unilever thì mức tăng trưởng của họ là 30% khi thể hiện những cam kết của mình. Việc xanh hóa sản phẩm lẫn các khâu sản xuất không chỉ giúp thương hiệu dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng hiện đại mà còn giúp cắt giảm đáng kể chi phí trong đó có chi phí xử lý rác thải và nước thải.
 
Tuy nhiên để có thể sản xuất xanh thì không hề đơn giản. Nhất là với nền kinh tế mà tỷ lệ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang chiếm đa số như Việt Nam hiện nay. Các mô hình sản xuất xanh đòi hỏi rất lớn về tài chính và con người để áp dụng thành công. 
 
Theo các chuyên gia thì việc chuyển đổi công nghệ hướng tới sản xuất xanh nếu như muốn hiệu quả thì không chỉ dựa vào sự tự nguyện của các doanh nghiệp, mà cần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi quốc gia, đồng thời cần có chiến lược chung cũng như sự hỗ trợ từ chính phủ. 
 
Văn phòng CPSI