Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu sử dụng vật liệu xây (gạch) của Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 10-12%/năm, đạt 30-33 tỷ viên quy tiêu chuẩn vào năm 2020. Nếu sản lượng nêu trên đều là gạch nung thì sản xuất sẽ phải sử dụng khoảng 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.200 - 2.500 ha đất nông nghiệp), khoảng 5 triệu tấn than, phát thải khoảng 15 triệu tấn cac-bon (CO2). Điều này không chỉ tiêu tốn một lượng lớn tài nguyên đất nông nghiệp, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Để thay thế dần gạch nung, năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình Phát triển VLXKN đến 2020 (Quyết định 567/2010/QĐ-TTg), đặt mục tiêu năm 2015 thay thế gạch đất nung bằng VLXKN từ 20-25%, năm 2020 thay thế 30-40%, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công.
Ông Bùi Phạm Khánh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết: Năm 2015, tổng sản lượng vật liệu xây cả nước sản xuất là 23 tỷ viên thì VLXKN là 5,8 tỷ viên, chiếm khoảng 25% (cơ bản đạt mục tiêu đề ra). Đến nay, qua 6 năm thực hiện Chương trình Phát triển VLXKN, tổng công suất thiết kế sản xuất 3 loại VLXKN chính (gạch block xi măng cốt liệu, bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt) đã đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm.
Tuy nhiên, tại Hội thảo “Cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung” được tổ chức mới đây, bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam - cơ quan phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Xây dựng thực hiện Dự án: “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” - nhận xét: Việt Nam hiện còn thiếu các tiêu chuẩn và hướng dẫn sử dụng VLXKN; chất lượng sản phẩm VLXKN chưa cao khiến các nhà đầu tư, kiến trúc sư, thiết kế, đơn vị thi công, nhà xây dựng... chưa tự tin sử dụng.
Nhu cầu VLXKN đang ngày càng tăng, một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bắc Ninh... đã phát triển khá tốt loại vật liệu này. Song thách thức đối với phát triển VLXKN ở Việt Nam vẫn đặt ra do cơ chế, chính sách, hệ thống tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm, thiết kế, thi công, nghiệm thu các công trình sử dụng loại vật liệu này còn bất cập. Theo ông Bùi Phạm Khánh, trong thời gian tới, ngoài tiếp tục thực hiện Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phát triển VLXKN; sở xây dựng các địa phương cần tham mưu với UBND tỉnh về cơ chế, chính sách sản xuất, sử dụng VLXKN và quản lý chặt chẽ việc sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch nung. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đồng bộ, cụ thể để ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN và bắt buộc phải sử dụng vật liệu mới vào công trình xây dựng theo các tiêu chí cụ thể.
Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch… tại các địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ các quy định, chính sách về sử dụng VLXKN.
Bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam: Cần đánh giá, phân tích chính sách kết hợp với đánh giá việc thực hiện Chương trình Phát triển VLXKN thời gian vừa qua để bổ sung cơ chế, chính sách thích hợp thúc đẩy phát triển VLXKN nhằm đạt mục tiêu thay thế gạch đất nung từ 30-40% vào năm 2020 và 70-80% trong dài hạn.