Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:45 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công Phú Thọ: 5 năm và những con số

20/11/2012

Số liệu thống kê của Sở Công Thương tỉnh cho thấy: 5 năm triển khai Chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phú Thọ đã đầu tư hơn 21,7 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí khuyến công địa phương và kinh phí khuyến công quốc gia) cho hoạt động khuyến công. Theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh thì đây là sự nỗ lực lớn của tỉnh bởi kinh tế của Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, coi công tác khuyến công là phương thức cần thiết và bền vững thúc đẩy ngành CNNT của tỉnh phát triển Phú Thọ đã ưu tiên cả nhân lực và vật lực nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác khuyến công triển khai và phát huy hiệu quả.

Theo đó, 5 năm qua từ 21,7 tỷ đồng nguồn kinh phí hỗ trợ, Trung tâm Khuyến công-Tư vấn và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Phú Thọ (TTKC) đã triển khai có trọng tâm, trọng điểm các nội dụng của chương trình khuyến công. Cụ thể, TTKC đã dành hơn 8,3 tỷ đồng thực hiện các chương trình đào tạo nghề, đào tạo nâng cao tay nghề và đã có hơn 10.500 lao động nông thôn được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm với mức thu nhập ổn định từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Thông qua các đề án đào tạo, khuyến công Phú Thọ cũng đã hỗ trợ về nhân lực cho các ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh phát triển như: nghề may công nghiệp xuất khẩu tại huyện Thanh Ba, Tam Nông, thị xã Phú Thọ; nghề chế biến chè tại huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Hạ Hòa; nghề chế biến gỗ, gỗ mỹ nghệ tại huyện Hạ Hòa, Lâm Thao, Cẩm Khê…

Phú Thọ luôn ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở CNNT thực hiện các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng thiết bị công nghệ mới vào sản xuất và coi đây là cách hỗ trợ hiệu quả nhất cho các cơ sở đổi mới phương thức sản xuất. Những năm qua, khuyến công Phú Thọ đã dành hơn 8 tỷ đồng triển khai chương trình này với 30 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất và 50 đề án đầu tư mở rộng, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Như lời nhấn mạnh của ông Thi, các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất đã và đang thay đổi đáng kể diện mạo của ngành CNNT Phú Thọ khi công nghệ sản xuất hiện đại hơn, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn và đặc biệt là vấn đề môi trường được đảm bảo.

Có thể nói, sự phát triển nhanh chóng của ngành CNNT Phú Thọ những năm qua chính là tấm gương phản ánh chân thực nhất hiệu quả của công tác khuyến công. Nếu như năm 2008, giá trị sản xuất CNNT của Phú Thọ chỉ đạt 3.289,3 tỷ đồng thì tính đến hết năm 2012 con số này tăng lên ước đạt 6.461,9 tỷ đồng. Số cơ sở sản xuất CNNT cũng tăng từ 20.168 cơ sở vào năm 2008 lên 21.100 năm 2012. Số lao động tham gia sản xuất CNNT cũng tăng từ 58.391 năm 2008 lên 61.832 năm 2012…

Cùng với đó, nhiều nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã được khôi phục và phát triển như: nghề đan lát, nón lá, chế biến nông lâm thủy sản, mỳ miến, đồ mộc, mành cọ, đũa gỗ, ván gỗ, dệt thổ cẩm…

Ngoài ra, sức hút khuyến công đối với sự tham gia đầu tư của các cơ sở CNNT cũng được coi là thành công của khuyến công Phú Thọ. Mặc dù, 5 năm qua nguồn vốn thu hút thêm từ các đề án không nhiều chỉ đạt 2,1 tỷ đồng nhưng nếu đặt trong bối cảnh Phú Thọ không có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển ngành CNNT cũng như số cơ sở, làng nghề tiểu thủ trên địa bàn tỉnh không nhiều thì đây cũng có thể coi là điểm cộng đáng kể của khuyến công Phú Thọ.

Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công tác khuyến công đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo mới cho ngành CNNT của tỉnh. Và theo kỳ vọng của lãnh đạo ngành Công Thương Phú Thọ, trong giai đoạn tới, giai đoạn 2012-2015 công tác khuyến công tiếp tục được coi là công cụ hữu hiệu giúp cho ngành CNNT của tỉnh tiếp tục vươn lên những “tầm cao” mới.