Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:41 GMT+7

Tin hoạt động

Đổi mới công nghệ ngành hóa chất: Giải pháp thúc đẩy năng suất

29/11/2017

Việc đầu tư công nghệ điện phân xút-clo màng trao đổi ion (Membran) ở Công ty Cổ phần (CP) Hóa chất Việt Trì với tính năng điều khiển tự động đã giúp tăng năng suất của hai nhà máy lên 50.000 tấn/năm, tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội, đồng thời giảm định mức tiêu hao nhiên liệu. Đó chỉ là một trong những điển hình thành công của việc chủ động thay đổi công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN do khó khăn về nguồn vốn cũng như trình độ quản lý nên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Xuân Sinh - Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), nhiều DN ngành hóa chất vẫn sử dụng dây chuyền sản xuất có công nghệ và thiết bị lạc hậu, nếu đầu tư thêm thì chỉ là chắp vá, không đồng bộ hoặc hạn chế về năng suất. Điều này đã làm tăng chi phí đầu vào, kéo theo chất lượng sản phẩm thấp, kém sức cạnh tranh.

Để giúp các DN có chiến lược dài hạn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, 4 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng đã xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ cho các DN sản xuất công nghiệp. Trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, đồng thời áp dụng phương pháp đánh giá trình độ công nghệ dựa theo 25 tiêu chí được phân thành 4 nhóm T.H.I.O (T - nhóm thiết bị công nghệ, H - nhóm nhân lực, I - nhóm thông tin và O - nhóm tổ chức và quản lý), lộ trình đổi mới công nghệ của các DN đã được xây dựng cụ thể, chi tiết và phù hợp với tình hình phát triển.

Qua đánh giá, trình độ công nghệ của Công ty CP Ắc quy Tia sáng đạt 73/100 điểm - mức trung bình tiên tiến, hệ số đóng góp công nghệ đạt 0,719. Nhiều chỉ số công nghệ thiết bị của công ty vẫn ở mức thấp do sử dụng các thiết bị thuộc thế hệ cũ. Trên cơ sở định hướng phát triển của DN, lộ trình đổi mới công nghệ cho công ty trong giai đoạn 2015 - 2020 là sản phẩm và công nghệ: Ắc-quy chì kín khí cho xe đạp điện, các loại ắc quy sử dụng gel với công suất cao, các loại pin uthium. Cùng với việc nhận diện các sản phẩm chủ lực và công nghệ thiết yếu, lộ trình đổi mới công nghệ của công ty cũng đề cập tới đào tạo nhân lực và đổi mới công tác quản trị.

Còn tại Công ty CP Hóa chất Minh Đức, theo đánh giá, trình độ công nghệ ở mức trung bình tiên tiến với số điểm 67/100 và hệ số đóng góp là 0,66. Báo cáo xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ cho công ty tập trung vào sản phẩm và công nghệ: Bột nặng, bột nhẹ cao cấp; cải tiến công nghệ tiết kiệm nhiệt cho lò nung; nghiên cứu chế tạo thiết bị lọc bụi và đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất, thiết bị lọc bụi tay áo; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất bột nhẹ chất lượng cao…

Ông Đào Sỹ Thanh - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hải Phòng - đã chỉ ra tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các ngành hóa chất khi áp dụng ISO 50001 lên đến 40%. Cụ thể, các giải pháp tiết kiệm năng lượng với chi phí thấp có thể tiết kiệm khoảng 3 - 10% tổng năng lượng sử dụng. Điều này cho thấy, tính hiệu quả của hệ thống quản lý chất lượng trực tiếp tác động đến sản phẩm và lợi ích của DN.

DN ngành hóa chất mong nhận được sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động như: Tuyên truyền, quảng bá, đào tạo chuyên gia; nghiên cứu xây dựng mô hình điểm; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các chỉ tiêu, phương pháp đo lường…