Trong 5 năm trở lại đây, nhờ việc ứng dụng các mô hình trên mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu được kết quả đáng ghi nhận, tiêu biểu như: Vào năm 2012, Công ty Cổ phần Him Lam Mộc Dũng được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván ghép thanh tại xã Nhân Hòa (Quế Võ) với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là 250 triệu đồng. Hiện nay, mô hình hoạt động tốt, đạt được các mục tiêu tạo ra 3.500 m3 sản phẩm ván ghép thanh/năm, phục vụ cho các đơn vị sản xuất đồ gỗ nội thất; đồng thời tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm thiểu xuất khẩu nguyên liệu thô, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm đồ gỗ chất lượng cao, trang trí nội thất, các sản phẩm tiêu dùng có giá trị thẩm mỹ cao. đã đề ra trước đó, đem lại nguồn lợi kinh tế cho cơ sở sản xuất và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Năm 2015, Trung tâm hỗ trợ 350 triệu đồng cho Công ty sản xuất và thương mại Đại Thủy ở phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cửa cuốn và cửa xếp. Sau khi được hỗ trợ, mô hình hoạt động tốt, giúp công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và tạo việc làm cho 200 lao động.
Năm 2016, Trung tâm phối hợp với Công ty TNHH cơ khí chính xác, dịch vụ và thương mại Việt Nam tổ chức giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất khuôn mẫu ô tô, xe máy tại CCN đa nghề. Mô hình sản xuất khuôn mẫu ô tô, xe máy được hỗ trợ 350 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Mục tiêu tạo ra 105 tấn thành phẩm các loại mỗi năm phục vụ ngành chế tạo ô tô, xe máy với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình đưa vào hoạt động đã giúp Công ty có được doanh thu khoảng 40 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho hơn 120 lao động.
Tháng 7 vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cùng Công ty TNHH in và bao bì Châu Thái Sơn (KCN Quế Võ mở rộng) phối hợp tổ chức giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bao bì carton cao cấp. Mô hình này đã được trung tâm khuyến công hỗ trợ tới 500 triệu đồng. Mục tiêu của đề án, trong năm 2017 sản xuất 9.600 tấn sản phẩm bao bì carton cao cấp phục vụ cho ngành hàng điện tử, thực phẩm, dược phẩm và đồ gia dụng với chất lượng cao và ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đề án đi vào hoạt động sẽ giúp Công ty TNHH in và bao bì Châu Thái Sơn có được doanh thu dự kiến là 288 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho hơn 200 lao động.
Ngoài các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, nhiều Công ty, hộ cá thể còn được trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN tỉnh hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến với mức từ 100 -150 triệu đồng/đề án. Nguồn kinh phí này tạo động lực thiết thực thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới để cải thiện năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đa số các mô hình trình diễn khi được nghiên cứu triển khai với nguồn vốn hỗ trợ của trung tâm khuyến công đều đi vào hoạt động thành công và đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Tuy nhiên, để nguồn ngân sách khuyến công được sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả nhất, công tác tổ chức, xây dựng mô hình và triển khai thực hiện phải có kế hoạch, có sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể giữa Trung tâm và đơn vị phối hợp (chủ đầu tư). Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát trong và sau quá trình triển khai thực hiện, kịp thời khắc phục khó khăn, rút kinh nghiệm, mở rộng sản xuất, nhân rộng mô hình.
Văn phòng CPSI