Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thông qua việc thực hiện dự án Cải thiện hiệu quả tài nguyên Việt Nam (VIP) với sự hỗ trợ của Quỹ công nghệ sạch (CTF) và Quỹ tín thác tăng trưởng xanh Hàn Quốc đã giúp các nhà sản xuất dệt may Việt Nam tiết kiệm sử dụng nước và tiêu thụ năng lượng. Điều này đã giúp ngành dệt may Việt Nam thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đồng thời cũng cải thiện và nâng cao uy tín, thương hiệu của sản phẩm dệt may Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết những cải tiến nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trên diện rộng trong ngành dệt may tạo nên thời cơ tốt cho Việt Nam phát triển một cách bền vững, đem đến những kết quả khả quan ngay từ giai đoạn ban đầu khởi động các giải pháp tiết kiệm tài nguyên.
Chương trình cải thiện hiệu quả tài nguyên Việt Nam (VIP) được triển khai từ năm 2015 với quỹ hỗ trợ lên tới 9,9 triệu đã được tiến hành tại 28 doanh nghiệp và các nhà máy trong cả nước làm gia công cho Tập đoàn VF và Target Group.
Các giải pháp tiết kiệm tài nguyên điện, nước tập trung vào các công đoạn cắt, may, nhuộm, in và giặt ủi. Sau 18 tháng thực hiện, các doanh nghiệp đã giảm được tiêu thụ nguyên liệu nước và năng lượng lên tới hơn 20% tương đương với khoảng 15 triệu USD.
Thời gian tới, IFC sẽ hợp tác với các thương hiệu toàn cầu hàng đầu khác để thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và tăng cường khai thác và sử dụng năng lượng sạch trong các chuỗi cung ứng sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để cắt giảm các chi phí lãng phí trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Với những thành tích ban đầu của chương trình cải thiện hiệu quả tài nguyên Việt Nam (VIP), đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Dự kiến trong năm nay, ngành dệt may sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 31,3 tỉ USD tương đương 11% so với năm 2016.
Văn phòng CPSI