Hội nghị Liên đoàn Công nghiệp Nhựa ASEAN - Hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững
Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia, các tổ chức đầu ngành, cùng với các doanh nghiệp đến từ 09 quốc gia trong khu vực là: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã nhận định, trên thế giới, ngành Công nghiệp Nhựa dù còn non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác như: Cơ khí, điện - điện tử, hóa chất, dệt may…, nhưng là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong 50 năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành đạt khoảng 9%, trong 10 năm trở lại gần đây, tốc độ phát triển của ngành tăng liên tục và bền vững.
Tại Việt Nam (VN), những năm qua với chính sách đổi mới, mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế thế giới, VN đã có sự hợp tác chặt chẽ với nhiều nước, trong đó có các nước trong khu vực châu Á và Đông Nam Á. Riêng với ngành Nhựa, sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nhựa VN và các doanh nghiệp nhựa các nước trong khu vực ASEAN và châu Á, là một trong những yếu tố quan trọng, giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành Nhựa VN có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ phát triển bình quân 15-20%/năm, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Theo quy hoạch phát triển ngành Nhựa VN đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, dự kiến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất Công nghiệp ngành Nhựa giai đoạn 2011-2020 đạt 17,5%, tỷ trọng ngành Nhựa so với toàn ngành Công nghiệp đến năm 2020 đạt 5,5%.
Trước các thành viên Liên đoàn ngành Nhựa ASEAN, đại diện phía VN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã tái khẳng định quan điểm của Chính phủ VN luôn ưu tiên, tạo điều kiện phát triển ngành Nhựa VN thành ngành công nghiệp tiên tiến, thân thiện với môi trường, đáp ứng phần lớn nhu cầu của thị trường trong nước, có khả năng xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao với sản lượng ngày càng cao.
Song song với hội nghị AFPI, Diễn đàn về ngành Nhựa khu vực châu Á (AFP) lần thứ 22 cũng được tổ chức, nội dung của diễn đàn là tập trung những xu thế đang nổi lên nhanh trong ngành công nghiệp nhựa, tính phát triển bền vững và liên kết giữa nhà nước và tư nhân để đưa ra những giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chăm sóc môi trường trước quy trình sản xuất nhựa như hiện nay. Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN (VPA) cho biết, ngành Nhựa VN đã chính thức trở thành thành viên thứ 6 của AFPI vào ngày 11/3/1996, trong khuôn khổ cuộc họp lần thứ 2 của Hội đồng khóa 2 tại Jakarta - Indonesia. Trong kỳ họp lần này, chủ đề trọng tâm mà các thành viên của AFPI trao đổi trong diễn đàn AFP là làm thế nào để các doanh nghiệp nhựa trong khu vực ASEAN, tìm ra một con đường, một tiếng nói chung để cùng nhau hỗ trợ và phát triển thị trường, tạo sự cạnh tranh giữa các Hiệp hội Nhựa trong khu vực châu Á với các nước khác trên thế giới. Đặc biệt, những ý tưởng kinh doanh, sản xuất mới cũng sẽ được chia sẻ tại hội nghị, với mục tiêu chính làm cho khu vực ASEAN trở thành một trung tâm thu hút và hấp dẫn đối với ngành Nhựa.
Chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi, đặc biệt là triển vọng của ngành Nhựa VN trong thời gian tới, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty XNK Nam Thái Sơn cho rằng, ngành Nhựa trong nước đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu và trang thiết bị của nước ngoài, cụ thể là phụ thuộc đến hơn 90% nguyên liệu và 90% trang thiết bị. Ông Anh nhấn mạnh, chúng ta không thể làm việc một mình mà không có sự tham gia và đồng thuận của các DN Nhựa châu Á, đặc biệt là các DN trong khối ASEAN.
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng có thể hạn chế mua sắm và sử dụng những sản phẩm cao cấp như: túi xách, xe hơi…, nhưng đối với sản phẩm nhựa tiêu dùng họ vẫn không từ bỏ được, do đó nhu cầu vẫn có theo hướng tích cực. Thực tế trong năm qua, sản lượng nhựa từ EU và các nước trong khu vực sức mua có giảm nhưng không nhiều, nhưng giá trị hàng hóa lại giảm vì mục tiêu của họ là mua rẻ và với sức thanh khoản thấp, mua trả chậm, nên cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành Nhựa VN.
Nhận định về triển vọng của ngành Nhựa VN trong thời gian tới, ông Trần Việt Anh cho biết, qua trao đổi với các các đối tác nước ngoài bên lề hội nghị AFPI và theo những nhà nhập khẩu từ: Mỹ, EU, Nhật Bản, trong 10 năm tới, ngành Nhựa VN có rất nhiều tiềm năng, sẽ có rất nhiều đơn hàng từ các nước đến VN, bởi công nhân VN rất cần cù lao động, nắm bắt nhanh những công nghệ tiên tiến từ các nước. Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm nhựa VN cũng vừa phải, nhân công thì rẻ. Do đó, ngành Nhựa VN cần phải nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực cao để kịp thời đáp ứng nhu cầu lao động trong thời gian tới.
Nhờ tính ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành Nhựa, nên sự tăng trưởng của nền kinh tế luôn có sức ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ của các sản phẩm nhựa. Hiện ngành Nhựa VN có hơn 2000 nhà máy sản xuất, với mức tăng trưởng bình quân từ 15 - 20% mỗi năm, trong đó 90% sản phẩm đầu ra đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Theo VPA, với sự phát triển của các nhà máy lọc dầu trong nước, nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành Nhựa vốn chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, sẽ được thay thế dần trong vài năm tới.