Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 18:21 GMT+7

Tin hoạt động

Tăng cường cơ chế phát triển năng lượng tái tạo

05/12/2016

Vẫn gặp khó ngay cả khi dự án nằm trong quy hoạch điện

Ngay như hệ thống điện mặt trời trên mái của Nhà một Liên Hợp Quốc xanh ở TP Hà Nội, công suất 110KWp, để thỏa thuận được hợp đồng bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN, Liên Hợp Quốc phải mất hơn một năm chờ đợi tính từ ngày nhận được sự chấp thuận cho phép đấu nối với lưới điện quốc gia của EVN.

Đối với những dự án phát triển điện năng lượng tái tạo trong nước, việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án rất hạn chế, khó khăn, ngay cả khi đã có sự quyết tâm của lãnh đạo cấp tỉnh và dự án đã nằm trong Quy hoạch điện VII.

Ngày 20/9/2016, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bạc Liêu đã có đề nghị Thủ tướng chấp thuận rút Trung tâm Điện lực Bạc Liêu ra khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh, mặc dù trung tâm này đã được quy hoạch địa điểm và có nhà đầu tư tiếp cận với công suất 3.600MW, tổng mức đầu tư từ 6,2 - 7,5 tỷ USD, bởi địa phương xác định, Bạc Liêu là địa bàn giàu tài nguyên gió, và việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến định hướng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, từ năm 2010, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006 - 2010 có xét đến năm 2015, đây chính là cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện.

Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu bao gồm 62 trụ tuabin gió với tổng công suất 99,2MW với tổng mức đầu tư là 5.217 tỷ đồng, điện năng sản suất 320 triệu KWh/năm, được chia làm 2 giai đoạn, đến nay đã hoàn thành, sản lượng hòa lưới điện quốc gia đạt trên 250 triệu KWh.

Để khai thác tốt tiềm năng điện gió, Bạc Liêu đã lập Quy hoạch phát triển điện gió trong tỉnh giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030, được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1403/QĐ-BCT ngày 11/4/2016. Trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển 6 dự án điện gió với công suất lắp đặt tích lũy đạt 401,2MW. Trong đó 3 Dự án điện gió Bạc Liêu 1 (công suất 16MW) và Dự án điện gió Bạc Liêu 2 (công suất 83,2MW) đã hoàn thành, dự án điện gió Bạc Liêu 3 (công suất 142MW) đã được đưa vào Quy hoạch điện VII Điều chỉnh, dự kiến vận hành vào năm 2018, còn lại 3 dự án điện gió với tổng công suất 160MW (trên địa bàn các huyện Hòa Bình và Đông Hải), các nhà đầu tư đang tiếp cận nghiên cứu.

Bên cạnh ưu tiên phát triển điện gió, Bạc Liêu đã quan tâm mời gọi đầu tư các dự án điện mặt trời và hiện đã có nhà đầu tư khảo sát lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 1 dự án điện mặt trời có tổng công suất khoảng 300MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 1tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện chưa có quy hoạch quốc gia về phát triển điện gió, quy hoạch phát triển điện mặt trời, chưa có các chính sách giá hỗ trợ và bảo đảm đầu tư, chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Suất đầu tư cho các dự án điện năng lượng tái tạo cao, nhưng trình độ công nghệ trong nước về lĩnh vực này còn lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được mà giá bán thấp nên chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Cần sớm ban hành quy chế

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, nhằm tạo điều kiện cho đầu tư phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, Chính phủ và các Bộ ngành cần sớm hoàn thành các quy hoạch quốc gia về phát triển điện gió, quy hoạch phát triển điện mặt trời, xây dựng và ban hành các chính sách về sự ưu tiên trong hình thành, phát triển thị trường, trong quy hoạch và kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, các chính sách giá hỗ trợ và bảo đảm đầu tư, chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo, hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ...

Đối với điện rác thải, mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định 31 năm 2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng rác thải rắn nhưng lại chưa ban hành Quy hoạch điện rác thải rắn, nên gây không ít khó khăn cho các chủ đầu tư. Hay nói cách khác, nếu chưa có cơ chế đấu nối nguồn điện với lưới điện quốc gia, thì các chủ đầu tư có muốn triển khai dự án cũng không thể thực hiện được.

Một chuyên gia của ngành Xây dựng cho biết, hiện các dự án xử lý rác thải rắn phát điện được các nhà đầu tư ở nhiều tỉnh, thành phố quan tâm vì DN vừa xử lý được rác thải vừa bán được điện. Nhưng do quy hoạch điện chất thải rắn chưa có nên nhà đầu tư cứ phải chờ, chờ không biết đến bao giờ (?!)

Vị chuyên gia này cũng cho biết, về nguyên tắc, chỉ nên xây dựng một cơ chế chung cho tất cả các loại năng lượng tái tạo, nhưng chúng ta lại chẻ ra từng mảng, từng lĩnh vực một nên rất vướng về quy định giữa các ngành với nhau. Đối với điện chất thải, nhà đầu tư vừa phải tuân thủ quy hoạch của Bộ Xây dựng về xử lý chất thải rắn, vừa phải tuân thủ quy định của của Bộ Công Thương về xử lý chất thải rắn phát điện, như vậy, mặc dù có cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án xử lý rác thải rắn phát điện, có quy hoạch xử lý rác thải rắn nhưng chưa có quy hoạch điện rác thải rắn thì không nhà đầu tư nào dám làm.

Có ít nhất 30 quốc gia đã sử dụng năng lượng tái tạo, cung cấp hơn 20% nhu cầu năng lượng trong nước. Các chuyên gia dự đoán, thị trường năng lượng tái tạo cấp quốc gia tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những thập kỷ tới. Trên thế giới, năng lượng gió đang phát triển với tốc độ 30% mỗi năm, tính đến năm 2012, công suất lắp đặt trên toàn cầu là 282.482 (MW). 

Văn phòng CPSI