Đây là dịp để các chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong nước trao đổi, đưa ra các kiến nghị, giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại các công trình.
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, cùng với sự tăng trưởng về số lượng các tòa nhà và quy mô diện tích sàn thì tiêu thụ năng lượng trong khu vực này cũng gia tăng đáng kể.
Chẳng hạn, năm 2003, tiêu thụ năng lượng trong khu vực dân dụng của Việt Nam chiếm 22,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Đến năm 2014, con số này vào khoảng 38%.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống các văn bản chính sách về tiết kiệm năng lượng chưa đồng bộ.
Một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng nói chung và các công trình xây dựng nói riêng còn thiếu. Ngoài ra, hiểu biết và các hành động tiết kiệm năng lượng của người sử dụng còn hết sức hạn chế.
Theo đại diện Công ty tư vấn DEM, đơn vị đang thực hiện xây dựng và lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện cho nhiều công trình như trụ sở Sao Thái Dương, tòa nhà Royal Tower…, năng lượng tiết kiệm được cho các công trình này khi hoàn thành sẽ khoảng hơn 40%, tương đương khoảng 2,6 tỷ đến 9,7 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, đại diện DEM cũng chỉ ra rằng, hiện rất khó tìm kiếm các nhà đầu tư có động lực và tận tâm, nhiều vấn đề chưa rõ ràng về quy chuẩn… Do đó, Việt Nam cần xác định tiêu chuẩn carbon và năng lượng quốc gia, thực thi quy định năng lượng hiệu quả một cách nghiêm ngặt.
Đồng thời, nâng cao nhận thức và tập huấn về quy chuẩn cho các Sở xây dựng, trường, học viện. Bên cạnh đó, xác định các dự án công trình xanh tự nguyện để mở đường và nhân rộng các tòa nhà mẫu…
Ông Poul E-Kristensen, Cố vấn cao cấp về công trình xanh cho IFC/WB và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cho rằng, xây dựng một tòa nhà tiết kiệm năng lượng sẽ rẻ hơn xây nhà máy điện.
Mỗi MW tiết kiệm được trong các tòa nhà sẽ rẻ hơn đầu tư một MW từ nhà máy điện. “Chúng ta vừa có thể tiết kiệm chi phí điện năng cho khách hàng sử dụng điện, vừa giảm mức phát thải CO2 vào môi trường”, ông Poul E-Kristensen nói.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều dự án hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chẳng hạn như: hợp tác với Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Giai đoạn tới 2016-2019 là hợp tác với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc với Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam.
Dự án này có 3 hợp phần, bao gồm: rà soát, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao năng lực thực thi Quy chuẩn xây dựng tiết kiệm năng lượng; các sáng kiến hỗ trợ phát triển thị trường xây dựng; các dự án trình diễn và nhân rộng việc áp dụng các công trình tiết kiệm năng lượng trong xây dựng.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho hay, để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, về cơ sở pháp lý, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật và Nghị định liên quan đến năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công trình xanh; xây dựng dự thảo Thông tư quy định về đánh giá, công nhận công trình xanh.
Ngoài ra, Bộ tăng cường các hoạt động truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh; xây dựng quy định đánh giá, chứng nhận, dán nhãn, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh.