Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 14/11/2024 | 23:10 GMT+7

Tin hoạt động

"Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chưa đủ năng lực để tiếp nhận công nghệ mới"

05/12/2016

Theo ông Đà, DNVVN muốn tiếp nhận công nghệ mới cần có 3 yếu tố: Nguồn vốn, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Hiện nay, hầu hết các DNVVN của Việt Nam thiếu cả ba yếu tố trên. Để có thể nâng cao được chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ mới. Nhưng trong việc tiếp cận các lĩnh vực công nghệ mới, các DNVVN gặp không ít khó khăn.

Ông Trần Quang Thắng - Hiệp hội DNVVN khu vực phía Nam - cho biết, hiện cả nước có khoảng 535.000 DNVVN hoạt động, chiếm 97% số doanh nghiệp cả nước, đóng góp 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Tại TPHCM, trong 700 doanh nghiệp hoạt động ở 12 khu công nghiệp, khu chế xuất, 51% số doanh nghiệp có trình độ công nghệ lạc hậu, chỉ 25% có công nghệ đạt khá trở lên.

“Sự lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật đã và đang tạo ra các sản phẩm có giá trị thấp, thiếu ổn định. Chưa kể đến khả năng cạnh tranh về giá khi giá thành các sản phẩm trong nước thường cao hơn các sản phẩm nhập khẩu từ 10-30%. Đây là hệ quả việc sử dụng các công nghệ lạc hậu từ hai, ba thế hệ và chưa làm chủ được công nghệ nguồn” – ông Thắng nhấn mạnh.
 
Hội thảo nhận được sự quan tâm, thảo luận của nhiều đại biểu

Theo ông Trần Quang Thắng, thực trạng nước ta hiện nay là "chưa hình thành nhu cầu tự thân đủ mạnh" của các doanh nghiệp trong việc phát huy vai trò của KH&CN; định hướng cho phát triển KH&CN chưa tốt. KH&CN chưa được các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả để tạo ra sản phẩm. Vì vậy, cần khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao. Bên cạnh đó, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cần phải được mở rộng ra quy mô quốc tế nhằm duy trì các ưu đãi hiện hành cho các công ty trong việc đổi mới, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Ông Park Jun Ho - Giám đốc văn phòng đại diện Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (Kitech) tại TPHCM - cho biết, Kitech có nhiều dự án hỗ trợ cho các DNVVN, như hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), khắc phục các lỗi kỹ thuật cho doanh nghiệp; hỗ trợ khắc phục khó khăn trong phát triển của các doanh nghiệp linh kiện; hỗ trợ R&D theo mô hình hóa doanh nghiệp đặt hàng,…

"Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc không ngần ngại đầu tư cho KH&CN. Đóng góp của họ chiếm tới 70% tổng kinh phí cho KH&CN của quốc gia này mỗi năm. Thay vì hỗ trợ cho cho các tập đoàn kinh tế như trước đây, hiện Hàn Quốc ưu tiên hàng đầu cho cộng đồng DNVVN trong ứng dụng công nghệ mới" - ông Park Jun Ho nói.