Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:22 GMT+7

Tin hoạt động

Bình Định: Đầu tư hoạt động khuyến công có chọn lọc

13/10/2017

Hoạt động khuyến công góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động

Qua 5 năm hoạt động khuyến công cùng với việc xây dựng, thực hiện các quy hoạch công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và cơ chế chính sách khuyến khích khác của tỉnh, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, có tác động thúc đẩy bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động mạnh mẽ. Giá trị SXCN tăng đáng kể, công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng ngày càng cao, tạo được nhiều việc làm và tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển đời sống văn hóa – xã hội cho lao động nông thôn ở một số địa phương trong tỉnh. Nhiều ngành nghề truyền thống đã bị mai một, nay được khôi phục và phát triển ở cấp độ cao hơn như làng nghề dệt chiếu máy, dệt thảm và hàng TCMN từ dừa, Rượu Bàu Đá, dệt thổ cẩm, làm nón, đan lát, v.v... Các sản phẩm làng nghề đã được giới thiệu quảng bá tại các hội chợ triển lãm và đang trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Đào tạo nghề, du nhập nghề mới cho gần 5.000 lao động nông thôn, gắn kết với hàng chục doanh nghiệp, cơ sở, HTX sản xuất bao tiêu sản phẩm, tiếp nhận tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động sau khi học nghề. Hỗ trợ hơn 10 mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Từ khi có nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ, các cơ sở có điều kiện tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên liệu thiết bị và được tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình sản xuất ở những nơi làm ăn có hiệu quả, tạo được sự chuyển biến mới về nhận thức của các hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, giúp họ yên tâm, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mới, mở rộng sản xuất và tham gia đầu tư vào các cụm điểm công nghiệp.

Việc thực hiện Nghị định 134 cũng khá hiệu quả. Tỉnh đã hỗ trợ trên 3 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp (CCN), đầu tư mới và di dời một số cơ sở SXCN ô nhiễm môi trường vào CCN. Các cơ sở sản xuất trong các CCN đã đóng góp giá trị SXCN toàn tỉnh khoảng 5%; thu hút và tạo việc làm khoảng 11.000 lao động. UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ trên 7 tỷ đồng vốn vay tín dụng ưu đãi xây dựng hạ tầng làng nghề nông thôn, từng bước khôi phục các làng nghề truyền thống, xây dựng làng nghề gắn với phục vụ du lịch, tạo việc làm cho cư dân địa phương. Đến nay, đã có 28 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí làng nghề TTCN.

Nhìn chung, hoạt động khuyến công đã được triển khai đến hầu hết đến các địa phương huyện, xã trong tỉnh, giúp cho một số lớn doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất công nghiêp nông thôn và hàng ngàn lao động được trực tiếp thụ hưởng kinh phí khuyến công để phát triển sản xuất và tạo việc làm tăng thu nhập cho cư dân. Nhiều ngành nghề, làng nghề CN-TTCN được khôi phục và phát triển, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện để đầu tư mới hoặc di dời vào các Cụm, điểm công nghiệp.

Đầu tư hoạt động khuyến công có chọn lọc

Với mục tiêu phát triển SXCN nông thôn một cách bền vững, phấn đấu đến năm 2012, giá trị SXCN khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt tử 15 – 20% tổng giá trị SXCN của toàn tỉnh. Tham gia giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo và phát triển đời sống văn hoá – xã hội ở nông thôn. Hoạt động khuyến công trong thời gian tới sẽ tập trung đào tạo nghề, truyền nghề, du nhập nghề mới và phát triển nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, gắn với cơ sở CN-TTCN, làng nghề, cụm, điểm công nghiệp tại địa phương. Tổ chức các khóa tập huấn năng cao năng lực cho cán bộ khuyến công; Hội thảo, tham quan, học tập các mô hình sản xuất tiên tiến đạt hiệu quả cao. Điều tra, khảo sát, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật công nghệ mới, sản phẩm mới; Hỗ trợ xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất TTCN, ngành nghề truyền thống, chế biến nông – lâm - thủy sản, chế biến nguyên liệu quy mô nhỏ, sản xuất cơ khí và sửa chữa; Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất CN-TTCN, xử lý ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm tiêu biểu mở rộng sản xuất, thị trường, cải tiến công nghệ, mẫu mã, bao bì đóng gói, nâng giá trị của sản phẩm ở cấp cao hơn, xây dựng đăng ký thương hiệu và tham gia hội chợ triển lãm - xúc tiến thương mại. Hỗ trợ hoạt động tư vấn khuyến công; Xây dựng mạng lưới khuyến công và cộng tác viên trên địa bàn; Xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh, ấn phẩm Khuyến công, cập nhật thông tin về hoạt động Khuyến công lên trang Web của Sở Công Thương. Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thành lập các hiệp hội, hội ngành nghề, liên kết vệ tinh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về hoạt động khuyến công, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hướng dẫn hoạt động khuyến công ở các cấp, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động khuyến công. Để thực hiện các mục tiêu trên, Trung tâm khuyến công đang thực hiện hàng lọat giải pháp như: hoàn thiện cơ chế chính sách; Hoàn thiện hệ thống khuyến công từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt là đầu tư hoạt động khuyến công có chọn lọc trên cơ sở tận dụng mọi nguồn lực, chú trọng những địa bàn trọng điểm, nhiều tiềm năng về lao động có trình độ, nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng “ôm đồm”, chồng chéo. Thay vì lập các đề án, chương trình dàn trải, nhỏ lẻ, phức tạp, có thể lập các đề án, chương trình lớn thực hiện trong nhiều năm, chia nhiều giai đoạn, nhằm tạo điều kiện tập trung nguồn lực hỗ trợ cho đơn vị cơ sở sản xuất CN-TTCN. Huy động nhiều nguồn lực vào hoạt động khuyến công, trước hết là nguồn lực của dân, của chính doanh nghiệp, phần ngân sách hỗ trợ chỉ là “mồi” để khuyến khích động viên.