Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 15:34 GMT+7

Tin hoạt động

Công nghiệp An Giang hướng đến nền sản xuất sạch hơn

09/11/2012

An Giang là một tỉnh phát triển mạnh các mặt hàng lúa gạo và chế biến thủy sản, bên cạnh cơ khí phục vụ nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc… Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, tỉnh  đặt mục tiêu đến năm 2015 nâng cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng lên 17,56% so với cơ cấu kinh tế của tỉnh. Với đà phát triển công nghiệp như trên, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế toàn tỉnh. Tuy nhiên, song song với việc phát triển thì môi trường sống ngày càng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân do vẫn còn nhiều cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, dẫn đến chi phí sản xuất cao, đồng thời làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Mặc dù số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ lẻ nên hiện trạng môi trường công nghiệp hiện nay của tỉnh chưa đến mức báo động như các thành phố lớn, nhưng nhìn chung, chất lượng môi trường nước, không khí, đất, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học…đang ngày càng suy giảm và bị đe dọa.

Để giải quyết hài hòa bài toán giữa tăng trưởng công nghiệp bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, Nhà nước đã khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, áp dụng rộng rãi công nghệ SXSH trong việc quản lý cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Đầu tư phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết: “Từ năm 1996 đến nay, việc áp dụng SXSH trong các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc SXSH và đã từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, sử dụng năng lượng có hiệu quả, tiến đến thay thế năng lượng phát sinh ít chất thải… Từ đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp quan tâm, tham gia áp dụng SXSH vẫn còn hạn chế, các giải pháp áp dụng còn ở mức độ đơn giản, kết quả chưa đạt yêu cầu”. Theo kết quả thống kế tình hình thực hiện SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến tháng 3-2011, có 28 doanh nghiệp tham gia hội thảo về SXSH, 8 doanh nghiệp tham gia tập huấn về SXSH và 1 doanh nghiệp đã thực hiện SXSH.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động 05/KH-UBND về SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường. Kế hoạch cũng xác định từ nay đến năm 2015, ưu tiên áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, thuộc lĩnh vực trọng điểm của tỉnh và có tiềm năng áp dụng. Cụ thể, đến năm 2015, có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức lợi ích của việc áp dụng SXSH, 25% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và sẽ tiết kiệm từ 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu trên một đơn vị sản phẩm, 25% cơ sở sản xuất công nghiệp có cán bộ kỹ thuật kiêm nhiệm về SXSH. Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch 4,245 tỷ đồng được huy động từ ngân sách Nhà nước, nguồn viện trợ, đầu tư của các tổ chức và cá nhân… Bà Bùi Thị Dung nhận định: “Với việc áp dụng thành công SXSH sẽ góp phần giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đồng thời góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường sống trong nhiều năm tới”.


Việc xác định trách nhiệm và sự phối hợp giữa các sơ, ngành có liên quan đã cụ thể, điều còn lại là sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp trong việc chủ động áp dụng các phương pháp SXSH vào sản xuất.