Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:09 GMT+7

Tin hoạt động

Kinh nghiệm hay từ khuyến công Lâm Đồng

25/02/2017

Theo đánh giá từ Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), Lâm Đồng là một trong những địa phương rất chủ động và sáng tạo trong triển khai hoạt động khuyến công. Các đề án đã phát huy tốt hiệu quả giúp cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Đáng chú ý, sau nhiều năm triển khai, hình thức hỗ trợ có thu hồi tiếp tục làm nên thương hiệu riêng của khuyến công Lâm Đồng. Hình thức này có ưu điểm là nâng được nguồn kinh phí cho mỗi đề án, thời gian hỗ trợ dài đã góp phần giải quyết khó khăn về vốn trong đầu tư phát triển sản xuất của cơ sở. Qua đó, kinh phí dành cho hoạt động khuyến công hàng năm của tỉnh được bổ sung đáng kể. Năm 2016, kinh phí thu hồi từ các đề án là 5,16 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ.

Sở Công Thương cũng đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành một số chính sách “sát sườn” như: Sửa đổi một số nội dung của Quy chế quản lý hoạt động khuyến công; xây dựng Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2013-2020… đã giúp khuyến công Lâm Đồng thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Điển hình, Sở Công Thương lập quy trình xây dựng kế hoạch khuyến công địa phương gồm 5 bước và phải hoàn thành trong tháng 12 hàng năm đã giúp trung tâm, phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thị trấn có quy trình thực hiện và khung thời gian cụ thể để triển khai. Được giao nhiệm vụ là đơn vị dự toán cấp I nên trung tâm đã chủ động hơn trong quản lý kinh phí khuyến công, thuận lợi trong việc quyết toán các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) và khuyến công địa phương (KCĐP).

Tuy nhiên, theo ông Cao Xuân Khản - Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Lâm Đồng, một số văn bản chính sách về khuyến công hiện không còn phù hợp so với thực tế, gây khó cho quá trình triển khai. Cụ thể, Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí KCQG và kinh phí KCĐP không quy định mức chi cụ thể cho nội dung hỗ trợ tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm trong nước. Để thực hiện, Lâm Đồng phải đưa nội dung này vào mục chi chung cho hoạt động khuyến công.

Cũng theo ông Khản, mức chi cho cơ quan quản lý kinh phí khuyến công tối đa 1,5% trong tổng kinh phí hàng năm để thực hiện nhiều nội dung: Xây dựng kế hoạch, đề án, giám sát, nghiệm thu… hay chi cho bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực không quá 100 triệu đồng/lần, cấp quốc gia không quá 200 triệu đồng/lần là quá thấp. Mức chi cho KCĐP không được quy định cụ thể cũng khiến trung tâm loay hoay trong quá trình thực hiện.

Ông Cao Xuân Khản đề xuất: Cục Công nghiệp địa phương nghiên cứu, điều chỉnh Thông tư 26. Theo đó, tăng mức chi cho bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực lên 200 triệu đồng/lần, cấp quốc gia 300 triệu đồng/lần. Nâng mức chi cho cơ quan quản lý khuyến công lên 2,5% trong tổng kinh phí hàng năm. Hỗ trợ 100% các khoản chi, gồm: Thuê mặt bằng, dàn dựng gian hàng… cho đơn vị tham gia hội chợ trong nước. Quy định cụ thể về mức chi hoạt động KCĐP, như: Chi tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện 30 triệu đồng/lần, cấp tỉnh 120 triệu đồng/lần…

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương - cho hay: Cục Công nghiệp địa phương đã đăng ký sửa đổi Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí KCQG và kinh phí KCĐP; Thông tư số 36/2013/TT-BCT về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí KCQG. Cục sẽ điều chỉnh về quy trình, thời gian xây dựng kế hoạch, phê duyệt đề án, mức chi phù hợp với thực tế, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong triển khai các nội dung khuyến công.

Trung tâm Khuyến công tỉnh Lâm Đồng là đơn vị dự toán cấp I nên rất thuận lợi và chủ động trong việc quản lý kinh phí và thanh toán, quyết toán các đề án KCQG và KCĐP.