Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:37 GMT+7

Tin hoạt động

Ngành dệt may cần áp dụng rộng rãi chương trình sản xuất sạch hơn

08/11/2012

Báo động ô nhiễm

Ngày 30/10/2012, Thanh tra Bộ TN&MT đã đột xuất kiểm tra bắt quả tang Công ty Bình An, Công ty con của Tổng Công ty Việt Thắng (quận Thủ Ðức, TP.HCM) chuyên về dệt nhuộm xả thải trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Theo đó, mỗi ngày, Công ty Bình An xả hàng nghìn m3 nước thải độc hại trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch xung quanh. Ông Lương Duy Hanh, Phó Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường - Bộ TN và MT cho biết: Công ty Bình An đã thiết kế hai máy bơm để bơm trực tiếp nước thải ra môi trường mà không qua xử lý. Tại thời điểm kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống thì thấy hệ thống lưu giữ bùn thải, nước thải sau xử lý thu hồi không đúng quy định mà lưu cữu rất lâu. Trước đó, Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM đã nhiều lần kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm về xả nước thải chưa qua xử lý của Công ty Việt Thắng Jean (cũng là một thành viên của Tổng Công ty Việt Thắng).

Tháng 8/2011, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP.HCM) đã phát hiện Tổng Công ty Dệt may Thái Tuấn mỗi ngày xả hàng ngàn m3 nước thải chưa qua xử lý ra kênh Tham Lương (quận 12).

Như vậy, ngay cả với những "tên tuổi" hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam cũng vi phạm về xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường. Ngoài ra, theo Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM hiện chỉ riêng ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12 đã có hơn 40 doanh nghiệp dệt nhuộm đổ nước thải ra kênh Tham Lương. Từ lâu, đây đã là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nơi mà ngành chức năng ví von như là "khu xử lý nước thải chung" của các doanh nghiệp.

Đặc trưng của ngành dệt nhuộm là sử dụng nhiều nước và hóa chất nên tạo ra lượng nước thải với mức độ ô nhiễm cao. Theo nghiên cứu, lượng nước sử dụng cho từng công đoạn dệt nhuộm: Tẩy mỡ len: 20 - 40 m3/tấn thành phẩm; hoàn thiện và nhuộm len: 70 - 200 m3/tấn thành phẩm. Trong nước thải dệt nhuộm có cả những chất dễ phân giải vi sinh như bột sắn dùng hồ sợi dọc, những chất khó phân giải vi sinh như polyvinyl axetat, thuốc nhuộm phân tán, thuốc nhuộm hoạt tính và các chất dùng tẩy trắng vải. Có những chất chỉ có thể oxy hóa bằng phương pháp hóa học, không thể phân giải bằng vi sinh. Càng sử dụng nhiều xơ sợi tổng hợp như polyeste thì càng phải dùng nhiều thuốc nhộm và các chất hỗ trợ khó hoặc không phân giải vi sinh, dẫn tới giá trị COD trong nước thải càng cao, quá trình xử lí càng phức tạp, tốn kém hơn rất nhiều.

Nhìn chung, các doanh nghiệp dệt may đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và cam kết với các cơ quan quản lý môi trường trong việc chấp hành các quy định về môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc làm này ở nhiều cơ sở vẫn còn mang tính chất đối phó, hệ thống nước thải còn đơn giản, chủ yếu mang tính chất xử lý sơ bộ…

Cần áp dụng sản xuất sạch hơn

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm  2020, ngành dệt may phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu 25 tỷ USD. Để đạt được con số này, ngành dệt may Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất, nhưng đồng thời cũng cần đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, áp dụng sản xuất sạch hơn  (SXSH) sẽ là lựa chọn tối ưu cho ngành công nghiệp dệt nhuộm.   

Hiện nay, phương pháp xử lý nước thải dệt nhuộm được áp dụng phổ biến ở các cơ sở chủ yếu là phương pháp hóa học, sử dụng axít trung hòa kiềm và các chất tạo phản ứng ôxy hóa khử, đồng thời trong quá trình sản xuất, nước vẫn thải thẳng ra một hệ thống thoát nước chung. Công nghệ này vừa tiêu tốn nhiên liệu, hóa chất mà vẫn không xử lý được triệt để các thành phần gây ô nhiễm.

Thời gian qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã phát động triển khai Chương trình SXSH với sự tham gia của một số doanh nghiệp dệt may ở các qui mô sản xuất khác nhau. Theo đó, các doanh nghiệp đã triển khai: Áp dụng một số công nghệ xử lý khí thải thông qua bộ phận thu khí lò hơi; Sử dụng định mức tiêu hao hợp lý nguồn nguyên, nhiên liệu của ngành dệt nhuộm thông qua các giải pháp kỹ thuật, quản lý để giảm thiểu tại nguồn khác nhau; Có các hệ thống xử lý nước thải cho các dây chuyền dệt nhuộm, di chuyển các xí nghiệp nhuộm vào các KCN dệt may có trung tâm xử lý nước thải tập trung. Một đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Tại các xí nghiệp nhuộm, tùy theo công nghệ và thiết bị sản xuất, tính ra trung bình cứ mỗi tấn sẩn phẩm có tiềm năng tiết kiệm khoảng: 0,2 - 0,5 kg thuốc nhuộm; 100 - 200 kg hóa chất và chất phụ trợ; 50 - 100 m3 nước; giảm lượng tiêu thụ khoảng 150 kg dầu và khoảng 50 - 150 KWh điện. Tổng lượng nguyên liệu, nhiên liệu mà 8 doanh nghiệp tham gia chương trình SXSH tiết kiệm hàng năm như sau: Nước: 1.037.000 m3; Dầu FO: 1.910 tấn; Điện: 530.000Kwh; Hóa chất và thuốc nhuộm  1.178 kg. Trong khi đó, lợi ích về môi trường: Giảm nước thải ra môi trường: 1.037.000 m3; Khí GHG: 5.600 tấn CO2/năm...

Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những doanh nghiệp dệt may đóng trên địa bàn xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Đồng thời, sẽ vận động, phối hợp, hỗ trợ thật nhiều doanh nghiệp dệt may  tham gia Chương trình SXSH. Trong hai ngày 6-7/11/2012, Sở TN&MT đã tổ chức tập huấn về công tác xử lý nước thải và công nghệ SXSH ngành dệt may cho đại diện các đơn vị quản lý Nhà nước về môi trường và các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn.