Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 13:40 GMT+7

Tin hoạt động

Gia Lai: Ngành công nghiệp hướng đến sản xuất sạch

08/11/2012

Xu thế tất yếu

Những năm gần đây, ngành CN chế biến của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ cho nông nghiệp và thương mại phát triển. Sự ra đời của các nhà máy sản xuất phân vi sinh, chế biến gỗ tinh chế, đường tinh chế, xi măng, đá granít… đã đưa ngành CN chiếm hơn 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ngành công nghiệp khai thác cũng phát triển dựa vào tiềm năng về tài nguyên khoáng sản với quặng bô xít, đá granít, cát xây dựng… Giá trị sản xuất ở khu vực này khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm. Nhằm tăng tỷ trọng CN, tỉnh xác định hướng đi tiếp theo là đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, khai thác, công nghiệp sản xuất phân bón, khai thác vật liệu xây dựng…

Đó là những tín hiệu đáng mừng dự báo cho một nền kinh tế vững mạnh hơn. Song bước vào thời kỳ CN hóa, quá trình phát triển đã và đang phát sinh những vấn đề môi trường khá bức xúc. Trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều khu, cụm CN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài số ít nhà máy mới xây dựng được đầu tư thiết bị, công nghệ khá hiện đại, đa số các cơ sở sản xuất CN chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.


Trong khi bối cảnh các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm thấp, vấn đề môi trường ngày càng nổi cộm, các yêu cầu pháp lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt và đặc biệt là quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu thì việc phổ biến áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn trong công nghiệp sẽ là công cụ hữu hiệu giúp các cơ sở, các doanh nghiệp vừa cải tiến sản xuất, vừa cải thiện hoạt động bảo vệ môi trường.

Chiến lược dài hơi

“Với yêu cầu cấp thiết từ thực tế sản xuất của các cơ sở công nghiệp, các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Gia Lai”-ông Hoàng Công Lự-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết. Một đại diện của Sở Công thương cũng nhận định: “Hiện các DN không chỉ cạnh tranh nhau về giá cả, chất lượng sản phẩm mà còn bởi thái độ của DN đối với môi trường. Việc tập trung nỗ lực vào sản xuất sạch hơn cũng đồng nghĩa với việc đầu ra của DN sẽ lớn hơn, DN có điều kiện phát triển hơn. Bởi xu hướng phát triển CN bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường đang được cả thế giới quan tâm”.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đề ra là tới năm 2015, có 90% cơ sở sản xuất CN trong khu công nghiệp, cụm CN và 50% cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm CN được phổ biến và nhận thức được lợi ích của áp dụng sản xuất sạch hơn; 25% cơ sở sản xuất CN trong khu công nghiệp, cụm CN và 10% cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm CN trên địa bàn tỉnh áp dụng sản xuất sạch hơn. Theo đó, các cơ sở công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm được 5%-8% tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Tập trung trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, cồn nhiên liệu sinh học) để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng của thị trường nội địa.

Song để thực hiện “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong CN đến năm 2020” của Chính phủ theo đúng kế hoạch, đòi hỏi các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cho các DN và người dân về lợi ích của sản xuất sạch hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần có các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý các đơn vị gây ô nhiễm môi trường./.