Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 23:55 GMT+7

Tin hoạt động

Các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn

22/11/2012

Để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu các nguồn vốn cho vay ưu đãi thực hiện các giải pháp SXSH, bài viết này tổng hợp một số nguồn vốn hỗ trợ phù hợp.

1.1. Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam (http://www.vepf.vn)

Sau 10 năm hoạt động, Quỹ Môi trường Việt Nam đã đem lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ xử lý môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực cho vay ưu đãi cho 133 dự án môi trường với tổng kinh phí cho vay gần 787 tỷ đồng trong các lĩnh vực: Xử lý chất thải rắn; Xử lý khí thải, khói bụi các nhà máy công nghiệp, xi măng; Xã hội hóa thu gọn chất thải rắn, rác thải sinh hoạt; Xử lý ô nhiễm làng nghề; Tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn. Quỹ có 3 hình thức hỗ trợ tài chính gồm: cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và tài trợ.

Hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi: Các doanh nghiệp muốn vay vốn từ Quỹ phải có vốn đối ứng bằng 30% tổng chi phi đầu tư của dự án. Lãi suất tối đa của Quỹ bằng 50% lãi suất thương mại và thời hạn cho vay là không quá 7 năm.

Hình thức hỗ trợ lãi suất vay: áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư thuộc đối tượng hỗ trợ tài chính của Quỹ có vay vốn của tổ chức tín dụng khác thì được xem xét hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Một số đối tượng được xem xét hỗ trợ lãi suất vay vốn như sau:

  • Dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và hoàn trả được vốn vay cho tổ chức tín dụng;
  • Dự án được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trung ương hoặc địa phương xác nhận đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường hoặc giải quyết được các vấn đề môi trường;
  • Dự án chưa được vay vốn hoặc tài trợ bằng nguồn vốn hoạt động từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Hình thức tài trợ: áp dụng cho các dự án giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; dự án khắc phục ô nhiễm, sự cố hay thảm họa môi trường; các dự án theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức các giải thưởng môi trường….Để được xét duyệt tài trợ, chủ đầu tư dự án bảo vệ môi trường phải có vốn đối ứng ít nhất 50% tổng kinh phí đầu tư để thực hiện dự án. Mức vốn tài trợ tối đa bằng 50% tổng chi phí để thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường xin tài trợ và phải phù hợp với khả năng nguồn vốn của Quỹ cho phép.

Công nghệ tiết kiệm nguyên nhiên liệu, bảo vệ môi trường như dự án Tiết kiệm năng lượng chuyển đổi từ lò nung than gây ô nhiễm trầm trọng sang lò đốt ga tại Doanh nghiệp của chị Nguyễn Thị Thủy và Nguyễn Thị Thúy ở làng nghề Bát Tràng đã được vay vốn tại Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam và thu được nhiều kết quả khả quan trong việc giảm phát thải ô nhiễm, giảm sản phẩm lỗi cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.
1.2. Quỹ Bảo vệ Môi trường địa phương

Hiện nay cả nước có 19 Quỹ Bảo vệ Môi trường địa phương gồm: Hà Nội, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Dương, Nghệ An, Sơn La, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Giang, Thanh Hóa, An Giang, Bắc Ninh… do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Trong đó, Đồng Nai là địa phương thành lập Quỹ sớm nhất từ năm 2004.

Tùy theo đặc điểm của từng tỉnh, các quỹ đều xác định ưu đãi là hình thức quan trọng nhất, với lãi suất tối đa ở mức “không quá 50% lãi suất thương mại” (Bình Dương, Đồng Nai) hoặc “không thấp hơn 1/3 lãi suất thương mại” (Hà Nội), với qui mô không quá 70% giá trị dự án, trong khoảng thời gian từ 3 năm (Hà Nội), tới 5 năm (Bình Dương), thậm chí 7 năm (thành phố Hồ Chí Minh). Các quỹ cũng xác định sẽ “tài trợ không hoàn lại” cho các dự án, nhưng nhiều quỹ không nói rõ đối tượng cụ thể và qui mô tài trợ, ngoại trừ Hà Nội khẳng định “không quá 50% giá trị dự án”.

Đối tượng nhận hỗ trợ từ các quỹ môi trường địa phương thông thường là các tổ chức cá nhân có hoạt động bảo vệ môi trường như đầu tư xử lý nước thải, tái chế chất thải, khắc phục ô nhiễm. Năm 2009, Công ty CP Thực phẩm Minh Dương tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã vay vốn ưu đãi của Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội 1 tỷ đồng với thời hạn 3 năm để xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Sau khi trả xong nợ cũ vào năm 2011, cuối năm nay, Công ty Minh Dương tiếp tục làm hồ sơ vay 1,5 tỷ đồng từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội để nâng cao năng lực xử lý nước thải lên 600m3/ngày.

1.3. Quỹ đầu tư, hỗ trợ phát triển từ ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB)

Ngân hàng phát triển Việt Nam được thành lập năm 1997 trên cơ sở thay thế Quỹ hỗ trợ phát triển và kế thừa mọi quyền lợi, trách nhiệm từ Quỹ hỗ trợ phát triển. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Quỹ hỗ trợ các đối tượng sau đây:

  • Các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư mới;
  • Dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ trong việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường;
  • Dự án đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường và cơ sở gây ô nhiễm môi trường quan trọng phải di dời…

Ưu điểm của quỹ là quy mô vốn vay lớn do có vốn điều lệ là 5000 tỷ VND và các nguồn tài chính khác; ngân hàng có chi nhánh tại tất cả các tỉnh, thành phố; quy trình thực hiện các hoạt động tín dụng đầu tư rõ ràng theo từng cấp thuận tiện cho doanh nghiệp liên hệ, tìm hiểu việc vay vốn. Ngoài ra, VDB có nhiều công cụ tài chính như cho vay đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư để hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường. Theo đó, mức vay ưu đãi cho các dự án môi trường lên đến 50%, mức hỗ trợ sau đầu tư bằng chênh lệch giữa lãi suất vay vốn đầu tư của tổ chức tín dụng và 90% lãi suất vay vốn còn mức bảo lãnh sẽ tương ứng với mức vốn vay, nhưng không vượt quá tổng mức đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).

Ngày 31/10/2012 , đại diện của VDB đã tham dự và ký kết hợp đồng tại Lễ Ký Hợp đồng tài trợ về biến đổi khí hậu của Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB) năm 2012 cho 4 ngân hàng cho vay lại tại Việt Nam. Trong tương lại, các doanh nghiệp muốn vay vốn từ VDB để áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguyên liệu..., góp phần bảo vệ môi trường là hoàn toàn khả thi.

Nguyên