Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 20:07 GMT+7

Tin hoạt động

Các doanh nghiệp tại Tuyên Quang hướng đến sản xuất sạch hơn

02/11/2012

Cơ sở mua bán lâm sản và chế biến đồ mộc Văn Hảo (xã An Tường, TP Tuyên Quang) được thành lập cách đây gần 20 năm, nay đã trở thành ngôi nhà chung cho hàng chục lao động tại địa phương. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc, anh Trần Văn Hảo được tiếp cận với nghề mộc từ sớm và trong anh luôn có một ước mơ thành lập được một cơ sở sản xuất mộc có uy tín với khách hàng. Từ một xưởng sản xuất nhỏ, cơ sở sản xuất đồ mộc của anh ngày một lớn dần bởi chất lượng và mẫu mã của sản phẩm được nâng cao, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Hiện nay, cơ sở sản xuất mộc Văn Hảo có tổng vốn trên 1 tỷ đồng, doanh thu mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng. Điều khiến anh phấn khởi nhất là đã gìn giữ được nghề truyền thống của gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, trong xưởng sản xuất của anh thu hút gần 20 lao động đến làm việc, hầu hết là lao động ở nông thôn không có tay nghề và việc làm ổn định. Anh đã nhận họ vào để truyền dạy nghề và tạo việc làm cho họ với mức thu nhập khá ổn định từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, các sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ... của cơ sở sản xuất đồ mộc Văn Hảo đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Trong suy nghĩ của người chủ cơ sở đã có hàng chục năm gắn bó với nghề thì việc cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để có thêm nhiều khách hàng đến với cơ sở và thêm nhiều lao động địa phương có cơ hội tìm được việc làm luôn là điều cần thiết. Sau khi được tham gia lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn, giờ đây anh Hảo đã hiểu rằng để cơ sở phát triển ổn định và bền vững thì không thể không chú trọng tới vấn đề môi trường.

Những năm qua, Tuyên Quang đã khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng của địa phương. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp ở Tuyên Quang cũng đang đặt ra những vấn đề về môi trường cần được quan tâm và tháo gỡ kịp thời, tạo tiền đề để đưa công nghiệp Tuyên Quang phát triển bền vững. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 760 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành: Chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản … và hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng chú trọng và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Trong thực tế, các doanh nghiệp hầu như chưa áp dụng hoặc mới áp dụng ở mức độ đơn giản việc sản xuất sạch hơn. Nước thải, khí thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa tốt, gây ô nhiễm môi trường và ít nhiều làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng.

Hiện nay, mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chưa được áp dụng ở Tuyên Quang nhưng qua khảo sát, đánh giá và qua các chương trình đi tham quan ở các doanh nghiệp thực hiện mô hình này ở một số tỉnh bạn đã cho thấy các doanh nghiệp khi tham gia chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp có cơ hội thụ hưởng chương trình đổi mới công nghệ, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kinh phí trong công tác tư vấn kỹ thuật và đầu tư thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang đang phối hợp với Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn; trong đó, tập trung nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về sản xuất sạch hơn; hỗ trợ kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.