Vực dậy làng nghềCó lẽ ít địa phương nào trong cả nước, phong trào phát triển nghề và làng nghề mang lại lợi ích kinh tế - xã hội lớn như ở Thái Bình. Nếu như năm 2000, giá trị sản xuất của các làng nghề mới đạt 660 tỷ đồng thì đến năm 2015, ước đạt trên 7.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn.
Không phải ngẫu nhiên các làng nghề Thái Bình có tốc độ phát triển kinh tế tăng trưởng mạnh như vậy. Thực tế vào những năm 2009, không ít nghề và làng nghề ở Thái Bình lao đao, sản phẩm làm ra không bán được. Điển hình như làng nghề thủ công mỹ nghệ chạm bạc Đồng Xâm.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) - cho biết: Với bề dày lịch sử gần 600 năm, nghề kim hoàn mang lại thu nhập cao cho người thợ làng nghề này. Tuy nhiên, cơn bão suy thái kinh tế thế giới đã khiến sản phẩm mỹ nghệ của Đồng Xâm không xuất khẩu đi được. Một số gia đình ở Đồng Xâm chuyển hẳn sang sản xuất hàng tiêu thụ nội địa, nhưng thu nhập cũng không đáng bao nhiêu so với xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều thợ bạc nơi khác cũng trưng biển “Đồng Xâm” làm ảnh hưởng đến uy tín làng nghề.
Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình đã liên tục mở các lớp dạy nghề tập trung cho thợ trẻ. Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay của các tổ chức tín dụng. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trong làng nghề được vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh…
Cũng như Đồng Xâm, nhiều làng nghề khác cũng đã được hỗ trợ kịp thời từ vốn, lao động và xúc tiến thương mại.
Tiếp tục đầu tư phát triển làng nghềThái Bình đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu trở thành tỉnh công - nông nghiệp theo hướng hiện đại và có từ 50 - 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, trong đó ưu tiên cho tuyến giao thông những nơi có làng nghề truyền thống, làng nghề phát triển mạnh như: Đường làng nghề thêu Minh Lãng, đường làng nghề chạm bạc Đồng Xâm… Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho công tác đào tạo, truyền nghề cho người lao động tại các làng nghề. Hỗ trợ kinh phí cho DN mời nghệ nhân, thợ kỹ thuật ở tỉnh khác về dạy nghề tại làng…
Theo ông Hà Văn Hải - Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình, những năm qua, hệ thống văn bản, chính sách trong lĩnh vực khuyến công ngày một hoàn thiện. Đặc biệt, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công và Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương đã giúp định mức hỗ trợ cho các đề án tăng nhanh chóng, gần hơn với nhu cầu thực tế của đối tượng thụ hưởng. Công tác thanh quyết toán theo đó cũng thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cơ sở công nghiệp nông thôn..
Thời gian tới, Trung tâm khuyến công tỉnh Thái Bình tiếp tục tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo về chuyên môn, pháp luật cho đội ngũ làm công tác khuyến công. Tổ chức khảo sát nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn từ xã đến huyện, xây dựng và lập ngân hàng thông tin về cơ sở.
Ðể duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, tỉnh Thái Bình tiếp tục có chính sách quan tâm đến công tác đào tạo, truyền nghề, dạy nghề; tôn vinh các DN, nghệ nhân, thợ giỏi. Đăng ký xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của làng nghề trên thị trường.