Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:55 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công Bình Định: Tập trung hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất

06/12/2017

Năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Định (Trung tâm) đã triển khai 11 đề án ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, các đề án này đã phát huy tốt hiệu quả. Tiêu biểu, Trung tâm đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thiện Hoàng thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất nhiên liệu sinh học viên nén gỗ”. Đề án nhằm mục tiêu trình diễn kỹ thuật sử dụng các phế phẩm lâm nghiệp để sản xuất sản phẩm viên nén gỗ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... Hiện đề án đã đưa vào vận hành ổn định. Dự kiến khi đạt 100% công suất sẽ tạo doanh thu khoảng 33 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 45 lao động với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Trung tâm cũng đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho Hợp tác xã sản xuất đá xây dựng Bình Đê (HTX) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ngói màu không nung nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho bà con xã viên. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, công nghệ sản xuất ngói màu không nung xi măng cốt liệu có nhiều ưu điểm vượt trội: Nguyên liệu đầu vào chủ yếu là xi măng, bột đá hoặc phế thải của sản xuất công nghiệp; vận hành đơn giản, cần ít diện tích mặt bằng sản xuất. Với cơ cấu ép tự động thủy lực tăng cơ tính, viên ngói được sản xuất ra có độ chính xác và  cường độ chịu nén cao, cách nhiệt tốt, kích thước và cấu trúc viên ngói phù hợp tiện lợi trong thi công mái lợp, không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, các đề án này đã góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển, gia tăng số lượng cơ sở sản xuất, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục và phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Tuy nhiên qua thực tế triển khai, khuyến công Bình Định còn gặp nhiều trở ngại trong việc hỗ trợ cơ sở ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Cụ thể, mức hỗ trợ cho mỗi đề án theo quy định thấp so với tổng vốn đầu tư của cơ sở CNNT nên không hấp dẫn các đối tượng thụ hưởng. Các cơ sở đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm tăng năng suất nhưng sản phẩm còn đơn điệu, khả năng tiêu thụ thấp vì vậy chưa khai thác hết công suất. Hơn nữa, việc hoàn chỉnh hồ sơ đề án khuyến công kéo dài, xây dựng nội dung kế hoạch khuyến công hàng năm của địa phương còn chưa sát với thực tế… cũng khiến việc lập, triển khai thực hiện kế hoạch gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những khó khăn trên, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác khuyến công triển khai hoạt động trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Bình Định đã xây dựng nhiều giải pháp. Theo đó, Trung tâm tiếp tục triển khai sớm các chương trình đề án đã được phê duyệt hàng năm. Đa dạng hóa nội dung hỗ trợ, trong đó tập trung cho xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với các sản phẩm CNNT ... Các nội dung này được ưu tiên triển khai tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, xã xây dựng nông thôn mới, huyện miền núi…

Cùng đó, Trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát, tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm, tạo sự đổi mới trong tư duy của các cơ sở. Qua đó, định hướng, giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phù hợp với nhu cầu thị trường.