Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 18:30 GMT+7

Tin hoạt động

Lò sấy lúa, lợi ích kép

31/10/2012

Chất lượng đảm bảo hơn phơi nắng

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) cho biết: “Với diện tích trồng lúa 5.600 ha, một năm canh tác 2 vụ ĐX và HT, sản lượng lúa hàng năm của công ty khoảng 60.000 tấn. Lúa chất lượng cao chiếm trên 75%. Từ năm 2011 đến nay, vì chất lượng hạt gạo và yêu cầu xuất khẩu, công ty tập trung đầu tư hệ thống 7 nhà máy xay xát và chế biến gạo.

Các nhà máy này được trang bị máy móc hiện đại với công suất chế biến 750 tấn gạo/ngày và hệ thống nhà kho có sức chứa trên 45.000 tấn. Đặc biệt ở khâu phơi sấy, để đảm bảo hạt lúa không bị gãy nát, mất phẩm chất, nông trường đã đầu tư gần 12 tỉ đồng để xây dựng 63 lò sấy vỉ ngang cải tiến không trở mẻ, công suất 12-15 tấn/mẻ.

Với công suất này đảm bảo sấy gọn lượng lúa cho nông dân. Hệ thống lò sấy ở đây có khả năng sấy khô và bảo quản khoảng 750-800 tấn lúa/ngày, đảm bảo phục vụ 100% diện tích gieo cấy của bà con trong công ty, thậm chí phục vụ sấy cho cả các tỉnh lân cận”.

Theo ông Khải, trước đây công ty mua lúa của dân, đa phần lúa phơi trên nền xi măng. Do vậy, việc bảo quản khó và xuất khẩu hạt gạo có chất lượng kém, nhiều lúc không đạt yêu cầu. Còn bây giờ có hệ thống lò sấy, dù nắng hay mưa, lúa cũng phải qua hệ thống sấy giúp giảm được công lao động và nâng phẩm chất hạt gạo, tạo được thêm lợi nhuận cho nông dân.

Để đảm bảo đầu ra tốt, nông dân cũng đã thấy được lợi ích của lò sấy, nên sắp tới công ty sẽ tiến hành thu mua toàn bộ lúa ướt của dân đem về cho qua hệ thống sấy toàn bộ, rồi vào kho bảo quản. Cách làm như vậy sẽ mang lại hiệu quả rất cao cho người sản xuất và đảm bảo việc xuất khẩu thuận lợi hơn.

Ông Ngô Sỹ Tiến, PGĐ Nông trường (NT) Sông Hậu ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cũng cho biết: "NT đầu tư hơn 20 hệ thống lò sấy mới không cần trở mẻ, với công suất từ 10-25 tấn/mẻ; có khả năng đáp ứng nhu cầu lúa sấy cho bà con nông trường viên. Như vụ hè thu hiện nay thu hoạch khoảng 20.000 tấn, nếu mỗi lò chạy hết công suất 30-35 tấn/lò/ngày thì chỉ mất một tháng.

Có điều lúa được lên lịch, không phải đợi chờ gây hiện tượng mất phẩm chất. Tuy vụ đông xuân trời nắng, lúa nhiều, khoảng 30.000 tấn/vụ nhưng nếu nông dân có yêu cầu sấy, lò vẫn đáp ứng tốt. Thật ra, cách phơi lúa dưới ánh nắng trời, không đảm bảo chất lượng hạt lúa bằng việc cho qua hệ thống sấy.

Vả lại, phơi lúa trên sân cũng tốn công lao động, mà hiện nay khó tìm và cũng không rẻ. Mặt khác, với việc xuống giống đồng bộ, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; nên cùng một lúc, lượng lúa đem về sân phơi rất lớn. Nếu không đầu tư hệ thống sấy kịp thời, phẩm chất hạt gạo sẽ giảm làm ảnh hưởng đến xuất khẩu”.

Chỉ đáp ứng 40%

Theo ông Tiến, đầu tư một lò sấy công suất 10-25 tấn giá thành 200 triệu đồng, hoạt động trong 3 năm có thể thu hồi được vốn. Giá công sấy 1 tấn lúa 120.000 đồng, rẻ hơn 30.000 đ/tấn so với thuê sấy lúa bên ngoài. Ngoài ra nông trường bao tiêu sản phẩm mua lúa của nông trường viên cao hơn giá thị trường bên ngoài từ 200-300 đ/kg. Sắp tới nông trường Sông Hậu sẽ đầu tư thêm 20 lò sấy với công suất lớn nhằm đảm bảo phục vụ 100% diện tích canh tác trên 5.600 ha, 3 vụ mỗi năm của nông trường.

Đơn vị có công góp phần phần cải tiến hệ thống lò sấy từ trở mẻ đến không trở mẻ vẫn đảm bảo chất lượng hạt lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, không thể không kể đến doanh nglhiệp sản xuất lò sấy Năm Nhã, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên (An Giang).

 Ông Dương Xuân Quả, chủ doanh nghiệp có hơn 10 năm trong nghề làm lò sấy cho biết: “Để đảm bảo công đoạn sau thu hoạch, giảm được hao hụt mà hạt lúa đạt chất lượng xuất khẩu, tôi đã nghiên cứu cải tiến thành công lò sấy tĩnh, vỉ ngang từ 10-30 tấn. Nét độc đáo của lò sấy cải tiến là kỹ thuật lắp đặt cánh quạt sao cho nhanh chóng sinh nhiệt, tạo được độ nóng đều và duy trì được nhiệt độ thích hợp”.

Hiện nay doanh nghiệp của ông thường xuyên có trên 20 công nhân sửa chữa, lắp ráp tại chỗ. Ngoài ra còn có 5 đội chuyên thiết kế và xây dựng các lò sấy cho bà con nông dân ở các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên.

ĐBSCL có hệ thống lò sấy lúa ở An Giang đáp ứng 70%, Kiên Giang 50%, Long An 30%... Hiện nay, lượng lúa phơi chiếm khoảng 60%, còn lại là máy sấy đáp ứng 40%. Hệ thống lò sấy chậm phát triển, vì vốn đầu tư cao; còn thu lợi thì chưa bằng máy cày hay gặt đập liên hợp.

Theo ông Nhã, một lò sấy hoàn chỉnh gồm hệ thống lò đốt, quạt và băng tải chuyển lúa từ ghe lên bồn sấy và ngược lại. Riêng lò sấy của ông có khả năng vận hành từ 10-30 tấn/mẻ, mất khoảng 8-10 tiếng. Đặc biệt giàn băng tải vừa tiện lợi, vừa giảm công lao động một cách đáng kể. Hiện ông đã đăng ký thương hiệu “Năm Nhã” với Sở KH-CN nhằm bảo vệ nhãn hiệu độc quyền; đồng thời tiếp tục cải tiến các thiết bị để ngày càng phù hợp với nhu cầu thị trường. Niềm vui lớn của ông là góp phần cùng bà con nông dân giảm bớt chi phí SX.

Nói về lò sấy, ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc trung tâm khuyến nông An Giang cho biết: “An Giang có số lượng lò sấy lúa lên tới 2.327 máy, nhiều nhất ở ĐBSCL. Mỗi năm sấy được khoảng 1,3 triệu tấn lúa, đáp ứng nhu cầu từ 70-80% lượng lúa trong tỉnh, đặc biệt trong vụ hè thu Hiện nay, loại máy sấy vỉ ngang được cải tiến từ 30-45 tấn/mẻ, chất lượng sấy được thừa nhận tốt hơn phơi, trong đó doanh nghiệp Năm Nhã góp phần lớn làm tăng số lượng lò sấy trong tỉnh”.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết thêm: “Lúa tại khu vực ĐBSCL chiếm 53% sản lượng cả nước và 96% cho xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ giới hóa trong thu hoạch chỉ đạt 40%. Số lượng máy sấy hiện chỉ đủ khả năng đáp ứng 40% sau thu hoạch. Cần phấn đấu ít nhất phải đạt khoảng 80% máy sấy mới đảm bảo hạt gạo sau thu hoạch có chất lượng xuất khẩu tốt”.