Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình, hoạt động khuyến công đã từng bước đóng góp vào quá trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khơi dậy tiềm năng phát triển một số ngành nghề có lợi thế của địa phương. Các chương trình, đặc biệt là nội dung hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kết hợp với hoạt động tư vấn được triển khai nghiêm túc đã khuyến khích được cơ sở xác định hướng đầu tư đúng đắn, đạt hiệu quả, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tiêu biểu, năm vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) đã phối hợp với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoa (huyện Lạc Sơn) thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất tấm lợp tôn”. Đề án có tổng kinh phí thực hiện 1,138 tỷ đồng, trong đó khuyến công hỗ trợ 340 triệu đồng. Đây cũng là mô hình sản xuất sản phẩm mới trên địa bàn, có tính khả thi và khả năng nhân rộng cao. Đề án hoàn thành và đưa vào hoạt động không chỉ tăng uy tín, thương hiệu của cơ sở sản xuất mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Trung tâm cũng đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Sima Vina Việt - Hàn ứng dụng máy thùa tròn điện tử trong may công nghiệp. Hiện doanh nghiệp đã hoàn thành việc lắp đặt, đưa thiết bị vào vận hành. Theo kết quả đánh giá ban đầu, máy móc mới được đầu tư vận hành tốt, sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Năm 2017, Hòa Bình được giao 2 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng. Các đề án đều thuộc nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, đây cũng là nội dung khuyến công Hòa Bình ưu tiên triển khai trong năm nay.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từ đó tìm kiếm thêm nhiều bạn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tổ chức đào tạo nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực đủ mạnh, sử dụng được thiết bị công nghệ mới.
Tuy nhiên cũng theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình, do mức hỗ trợ từ nguồn khuyến công còn thấp, thủ tục và điều kiện tiếp cận thụ hưởng còn khó khăn đã hạn chế sức lan tỏa của các đề án. Hoạt động khuyến công của tỉnh tuy có đa dạng hơn so với những năm trước nhưng vẫn chưa triển khai hết các nội dung theo Nghị định số 45/NĐ-CP về khuyến công. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực làm công tác khuyến công còn thiếu, nhất là trong lĩnh vực tư vấn hướng dẫn phát triển công nghiệp khiến công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án chưa thuận lợi, hiệu quả.
Để giải quyết những vướng mắc trên, Hòa Bình tiếp tục phối hợp triển khai công tác khuyến công với các chương trình khác nhằm huy động thêm nguồn lực. Tập trung nâng cao năng lực hoạt động của trung tâm, bao gồm: Kiện toàn về tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuyên nghiệp hóa; xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.
Tỉnh cũng tăng cường công tác liên kết giữa các cơ quan ban, ngành và doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật trao đổi thông tin giữa trung tâm và phòng kinh tế/kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã để khảo sát và nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn để có giải pháp hỗ trợ thích hợp.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nghề, áp dụng sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm để củng cố thị trường trong nước, phát triển thị trường ngoài nước. Đặc biệt, chủ động và quản lý chặt chẽ hơn công tác khuyến công từ khâu thẩm định, thực hiện đề án, quá trình thanh quyết toán nhằm tăng hiệu quả và tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Năm 2017, Hòa Bình được giao 2 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng. Các đề án đều thuộc nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, đây cũng là nội dung khuyến công Hòa Bình ưu tiên triển khai trong năm nay.