Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:25 GMT+7

Tin hoạt động

Ứng dụng công nghệ các bon thấp góp phần giảm phát thải khí nhà kính

14/05/2017

Về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tại hội thảo, ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm phát thải khí nhà kính - Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho biết: Việt Nam đưa ra cam kết giai đoạn 2021-2030 giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính với nguồn lực trong nước và giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính với sự hỗ trợ của quốc tế trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, nông nghiệp và chất thải.
 
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cụ thể hóa 45 biện pháp giảm nhẹ thành hành động cụ thể và kết nối các hành động này với nguồn lực, công nghệ và các năng lực cần thiết. Trong các hành động này, nhóm hỗ trợ kỹ thuật của JICA đang hỗ trợ xác định và đánh giá các giải pháp công nghệ các bon thấp.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương được nhóm hỗ trợ kỹ thuật của JICA hỗ trợ xác định và đánh giá các giải pháp công nghệ các bon thấp. Hiện thành phố có hệ thống kiểm kê phát thải khí nhà kính và hệ thống quốc tế đo đạc phát thải khí nhà kính để kiểm tra mức độ giảm phát thải khí nhà kính. Từ các số liệu này sẽ giúp địa phương đưa ra những giải pháp cụ thể giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu tại Thành phồ Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Huy Phương, đại diện Văn phòng Biến đổi khí hậu Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Hai vấn đề chính của biến đổi khí hậu tại thành phố là nhiệt độ trung bình tăng lên, mưa thất thường và cực đoan. Thành phố đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu dựa trên nguyên tắc các bên tham gia đều có lợi, phát triển hệ thống pháp lý về biến đổi khí hậu và triển khai các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu cụ thể. Hiện có 10 lĩnh vực nằm trong kế hoạch thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu nâng cao khả năng hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý và nỗ lực triển khai hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.
 
Với vấn đề phát triển các bon thấp ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết: Để giải quyết hiệu quả vấn đề biến đổi khí hậu, cần phát huy các yếu tố công nghệ, thị trường và tài chính để đạt được sự tăng trưởng các bon thấp. Một trong những giải pháp hiệu quả là sử dụng những sản phẩm, công nghệ các bon thấp rộng rãi trong các nhà máy thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất điện, điện tử gia dụng…  
    
Việc phát triển các bon thấp tại một số thành phố ở Việt Nam cho thấy, thành phố Hải Phòng có thể giảm 14% tổng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 với các giải pháp về công nghiệp xanh, đô thị xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng, giao thông sạch, năng lượng xanh. Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng có thể giảm 19% tổng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 với các giải pháp về công nghiệp thông minh, xây dựng thông minh, giao thông thông minh và năng lượng xanh. 
 
Ở góc độ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ các bon thấp, bà Lý Thị Phương Trang, đại diện công ty Daikin Việt Nam, cho biết: Công ty hiện đang sản xuất máy điều hòa không khí với công nghệ biến tần và tiết kiệm năng lượng. Một máy điều hòa khi sử dụng công nghệ biến tần và tiết kiệm năng lượng có thể giảm điện năng tiêu thụ 30 kWh và giảm phát thải 10 kg CO2 trong một năm. Mục tiêu chuyển đổi công nghệ của công ty góp phần giảm khoảng 800 triệu tấn CO2 vào năm 2030. 
 
Thực trạng tại Việt Nam cho thấy, cùng với sự tăng trưởng kinh tế thì mức gia tăng sử dụng năng lượng cũng đạt gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ năm 1990 – 2006 khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có lượng phát thải khí nhà kính tăng nhanh trong khu vực và là quốc gia có chỉ số nồng độ CO2 trên GDP cao hơn mức trung bình của khu vực.

Dự kiến tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi từ 250 triệu tấn CO2 năm 2010 lên 500 triệu tấn CO2 năm 2020 và tăng gấp 3 lần, đạt 750 triệu tấn CO2 vào năm 2030./.