Mục tiêu thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh là nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; Giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; Bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, việc áp dụng chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp của tỉnh Nghệ An đạt các mục tiêu: 90% cơ sở sản xuất công nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các nội dung cơ bản về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và nhận thức được lợi ích của việc sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 25% đến 50% cơ sở sản xuất công nghiệp được áp dụng sản xuất sạch hơn và những cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn sẽ tiết kiệm được từ 5% đến 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 25% đến 50% cơ sở sản xuất công nghiệp có bộ phận chuyên trách về thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn; 100% cán bộ chuyên trách về sản xuất sạch hơn ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh được đào tạo, tập huấn kiến thức về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Xây dựng và tổ chức các hình thức tôn vinh những nỗ lực và kết quả của doanh nghiệp đạt được trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn; Cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo giảng viên, tư vấn về sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao khả năng chuyên môn, năng lực tư vấn, quản lý và triển khai sản xuất sạch hơn...
Tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật để áp dụng chiến lược sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; Mỗi năm hỗ trợ 1 – 2 dự án áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp từ ngân sách tỉnh; Đề nghị Bộ Công thương xem xét, hỗ trợ 1 – 2 mô hình/năm từ ngân sách Trung ương thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Mỗi năm hỗ trợ đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn tại 3 – 5 cơ sở sản xuất công nghiệp và hỗ trợ đánh giá chi tiết, tư vấn áp dụng sản xuất sạch hơn tại 1 – 3 cơ sở sản xuất công nghiệp; Xây dựng, phát triển mạng lưới thông tin, nâng cấp và cập nhật cơ sở dữ liệu Trang thông tin về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp…
Để thực hiện tốt Kế hoạch này, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của kế hoạch; Định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công thương kết quả thực hiện kế hoạch.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao các Sở: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên cơ sở các nhiệm vụ được giao để thực hiện kế hoạch. Các cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn từng bước nghiên cứu áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn vào quá trình sản xuất tại đơn vị mình.