Riêng trong năm 2016, khuyến công Quảng Trị được hỗ trợ trên 4,4 tỷ đồng cho thực hiện các đề án. Đây là nguồn lực không nhỏ đã giúp khắc phục một phần khó khăn trong việc triển khai hoạt động cũng như tăng sức hấp dẫn cho nguồn vốn khuyến công. Từ nguồn kinh phí trên, khuyến công tỉnh đã dành kinh phí hỗ trợ 140 triệu đồng hỗ trợ triển khai 4 đề án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm: Dầu lạc Super Green, cà phê Khesaca, nước mắm Khai Hà, ném Vĩnh Linh. Các đề án được đối tượng thụ hưởng ghi nhận đã hỗ trợ bước đầu và là nền tảng giúp doanh nghiệp, cơ sở hướng đến những giá trị bền vững, đồng thời góp phần tạo nên thương hiệu của địa phương.
Đặc biệt, trong tổng số 21 đề án khuyến công địa phương Quảng Trị đã triển khai trong năm 2016, có tới 13 đề án thuộc nội dung chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Các đề án hỗ trợ thuộc nhiều nhóm ngành nghề như: May công nghiệp, mộc mỹ nghệ, bao bì, tinh dầu, bún bánh, trà túi lọc Giảo cổ lam, miến gạo khô, sữa bắp đóng chai… Đáng nói, để đảm bảo hiệu quả các đề án, ngoài việc hỗ trợ kinh phí khi triển khai Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Trị đã yêu cầu đối tượng thụ hưởng thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chí như: Chuẩn hóa quy trình sản xuất, công bố chất lượng thực phẩm hoặc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở theo quy định pháp luật, bao gói đúng quy cách, xây dựng hệ thống xử lý môi trường cho nước thải, chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy …
Theo đánh giá chung, công tác khuyến công của Quảng Trị đã có nhiều hoạt động hiệu quả, tháo gỡ một phần khó khăn cho cơ sở CNNT trong việc huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Cung cấp thông tin giúp điều chỉnh kịp thời và thực hiện đúng các quy định pháp luật trong sản xuất, nhất là trong sản xuất thực phẩm; Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiếp cận với các thị trường mới, tạo thêm việc làm ổn định cho lao động, thu hút tốt nguồn vốn đối ứng…
Để phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, đến năm 2020 tỉnh dự kiến dành khoảng 25,7 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công. Riêng chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ hỗ trợ khoảng 14,620 tỷ đồng. Nội dung hỗ trợ sẽ tập trung: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đối với các cơ sở CNNT sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ nhận chuyển giao công nghệ, đổi mới, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại và hỗ trợ các cơ sở CNNT đang hoạt động có hiệu quả hoàn thiện quy trình sản xuất xây dựng mô hình và tuyên truyền nhân rộng.
Như vậy, với nguồn lực hỗ trợ lớn, định hướng ưu tiên hỗ trợ chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất được nhận định sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sức phát triển mới cho công nghiệp nông thôn của tỉnh Quảng Trị.