Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:46 GMT+7

Tin hoạt động

Hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

23/03/2017

Anh Lê Chí Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Phú Minh, xã Định Trung (thành phố Vĩnh Yên) đồng thời là chủ Dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng các dịch vụ thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe an toàn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường” cho biết: Dự án được vay vốn 2 tỷ đồng từ Quỹ phát triển KH&CN Vĩnh Phúc để ứng dụng một số công nghệ tạo ra các dịch vụ thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe với chất lượng cao, an toàn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Cụ thể là các công nghệ: Máy bơm nhiệt tiết kiệm năng lượng cho ra 4 sản phẩm gồm khí lạnh, nước nóng, khí nóng, nước lạnh; công nghệ làm nóng nước từ năng lượng mặt trời bằng hệ Thái dương năng; công nghệ pin năng lượng mặt trời; công nghệ xử lý nước bằng ôzone an toàn, hiệu quả, thân thiện môi trường; công nghệ xử lý nước bằng tia cực tím. Từ khi dự án đi vào hoạt động, các dịch vụ thể thao như: Bơi lội 4 mùa, tập Gym, yoga, khiêu vũ… phát triển và thu hút nhiều người tham gia luyện tập.

Để đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2419/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất giai đoạn 2014 - 2020, thông qua hình thức mở rộng quy mô Quỹ phát triển KH&CN Vĩnh Phúc” với ngân sách tỉnh bổ sung 150 tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ cho các DN… Đây được xem là động lực giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp, chủ trang trại có dự án ứng dụng tiến bộ KHCN vào SXKD được bảo toàn vốn, bù đắp chi phí nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Thực hiện mục tiêu CNH, HĐH, tỉnh tạo nhiều cơ chế, chính sách và điều kiện cho sự phát triển của các DN nhỏ. Từng bước tạo ra một bộ phận DN nhỏ và vừa thuộc thành phần đầu tư trong nước đủ mạnh, dần dần có thể làm đối trọng với các DN nhỏ và vừa khu vực FDI, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài.

Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 DN nhỏ và vừa đăng ký đầu tư kinh doanh, đóng góp 10% GDP của tỉnh, trong đó, có khoảng 3.000 DN đang hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực cơ khí, điện - điện tử, vật liệu xây dựng, giày da, dệt may… Nhiều DN đã có những dây chuyền sản xuất hiện đại mang lại giá trị sản phẩm cao, điển hình tại Công ty cổ phần Bê tông Bảo Quân đã đầu tư mới các dây chuyền sản xuất bê tông dự ứng lực, dây chuyền sản xuất dầm dự ứng lực theo công nghệ châu Âu, dây chuyền sản xuất ống cống bằng công nghệ rung lõi của Hoa Kỳ. Công ty TNHH Partron Vina, đầu tư 10 triệu USD xây dựng nhà xưởng, mua sắm dây chuyền trực tiếp sản xuất các linh kiện như ống kính camera, vỏ điện thoại… để cung cấp sản phẩm cho Tập đoàn SamSung.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đặt mục tiêu đưa công nghiệp trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh, đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 6,5 - 7% mỗi năm. Trong đó, tập trung mở rộng sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực như ôtô, xe máy; từng bước phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao như điện tử gia dụng.

Theo Quy hoạch phát triển KHCN tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì KHCN là nền tảng cho các ngành phát triển sản xuất với trình độ cao, phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt 45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của các DN sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao, phấn đấu tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị là 25% vào năm 2020. Hình thành và phát triển trên 20 DN sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích.

Đồng chí Hà Huy Bắc, Phó Giám đốc Quỹ phát triển KH&CN cho biết thêm: Đề án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, giai đoạn 2014 – 2020” sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn để mua sắm máy móc, thiết bị, các công cụ sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa - dịch vụ, tăng cường năng lực kỹ thuật, công nghệ, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.