Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 09:46 GMT+7

Tin hoạt động

Phát triển sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch ở Ninh Bình

13/01/2017

Hơn 10 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và  được coi là động lực phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, nền kinh tế của Ninh Bình chuyển mạnh từ một nền kinh tế thuần nông sang một nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực, tập trung phát triển những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh. Đặc biệt là ưu tiên phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch của địa phương.

Để đạt mục tiên trở thành thành phố du lịch, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có lợi thế của Ninh Bình như chế biến cói, thêu ren, chế tác đá, đồ gỗ mỹ nghệ phục vụ du lịch được tập trung đầu tư nâng cao chất lượng.

Ông Trần Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cho biết: Trong những năm vừa qua, công nghiệp tỉnh Ninh Bình có tốc độ và quy mô phát triển cao. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 32 nghìn tỷ đồng gấp 2,3 lần so với năm 2010. Trong đó đóng góp chung vào giá trị sản xuất công nghiệp thì ngành tiểu thủ công nghiệp chiếm 19%. Với lợi thế về tiềm năng du lịch có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, xác định phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch, quan tâm đến công tác môi trường để phát triển bền vững. Chính vì thế các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp  sẽ tập trung vào thế mạnh của Tỉnh, đó là chế biến cói, thêu ren, chế tác đá, đồ gỗ mỹ nghệ.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm, anh Nguyễn Hữu Vĩnh, chủ cơ sở doanh nghiệp thêu Minh Trang tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư  đã ấp ủ ý tưởng phát triển, làm giàu từ chính nghề thêu ren truyền thống của gia đình.  Với lòng yêu nghề và quyết tâm phát triển với nghề, anh Vĩnh đã dành nhiều công sức cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của mình. Anh cho biết: Làng thêu Văn Lâm có từ 700 năm. Đến giờ này cũng đã mai một đi rất nhiều. nhưng chính bằng yêu nghề và sự hỗ trợ khuyến khích của các cấp chính quyền địa phương nên tôi đã cố gắng duy trì nghề bằng được, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn và tôi luôn tìm mọi cách để tìm thị trường cho sản phẩm.

Cũng như anh Vĩnh, người dân Văn Lâm hiện nay đang tập trung phát triển nghề thêu kết hợp với phục vụ du lịch ngay tại quê hương mình nằm trong khu du lịch nổi tiếng với hàng vạn lượt khách đến tham quan. Xác định phát triển nghề truyền thống là mục tiêu chính, việc quảng bá các sản phẩm qua khách du lịch, gắn du lịch với làng nghề đã và đang được doanh nghiệp bước đầu thực hiện hiệu quả. Đồng thời doanh nghiệp cũng không ngừng tham gia quảng bá thương hiệu, sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế. Các sản phẩm của doanh nghiệp  không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà còn xuất khẩu tại nhiều quốc gia như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia… được khách hàng đánh giá cao về cả chất lượng và mẫu mã.

Đối với các hộ gia đình làm nghề đơn lẻ, họ làm ra sản phẩm và đem bán cho khách du lịch. Đối với các doanh nghiệp, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thông qua các hợp đồng ký kết với các đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp không chỉ mở xưởng sản xuất tại địa phương mà còn thông qua các hình thức hợp tác như gia công, tổ chức nhiều điểm sản xuất ở các địa phương trong và ngoài huyện. Hướng đi này không chỉ nhằm đảm bảo tiến độ, thời gian, số lượng hàng cho khách mà còn giải quyết việc làm cho người  dân  địa phương trong thời điểm nông nhàn.

Việc tận dụng  sản phẩm địa phương vừa thân thiện với môi trường mà giá thành lại rẻ khiến người tiêu dùng nước ngoài nhất là các nước châu Âu ưa chuộng. Trên địa bàn huyện Kim Sơn đã hình thành nhiều cơ sở chế biến cói, tạo việc làm và thu nhập, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa  phương.  Với nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, các doanh nghiệp, cơ sở tham gia sản xuất các sản phẩm từ cói, bèo bồng, bẹ chuối  đã từng bước đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới cách quản lý, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhà xưởng, trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế cũng được các doanh nghiệp chú trọng. Trong thời kỳ suy giảm kinh tế, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm những mặt hàng giá thành thấp thân thiện với môi trường và có bền chắc cao. Các doanh nghiệp  thường xuyên trao đổi về mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để hiểu được thị hiếu người tiêu dùng.

Phát triển ngành nghề ở nông thôn Ninh Bình góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn, giá trị sản xuất công nghiệp ở nông thôn chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Nhiều doanh nghiệp còn được hưởng nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công đã tổ chức đào tạo nghề tại chỗ nhằm nâng cao nguồn lực cho sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp nông thôn.

Ông Đặng Văn Khuyến – Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Hóa  – Ninh Bình cho biết: Khuyến công Ninh Bình hàng năm đã hỗ trợ dạy nghề cho lao động của Công ty; hỗ trợ kinh phí cho đầu tư thiết bị sấy và quảng bá cho thương hiệu sản phẩm. Vì thế, trong những năm qua Công ty đã cùng với khách hàng luôn nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống cho người lao động.

Chương trình khuyến công của Ninh Bình giai đoạn 2010-2015, kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cơ sở nông thôn trên địa bàn khoảng 19 tỷ đồng. Ngoài ra việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh và tạo thương hiệu sản phẩm địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế luôn được Sở Công Thương Ninh Bình tập trung đôn đốc thực hiện.