Sự cạnh tranh trong ngành dệt may ngày một tăng lên. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì không những phải có thị trường tiêu thụ ổn định mà còn phải tập trung vào vận hành sản xuất ở mức chi phí thấp nhất. Các chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất có thể tiết giảm được đó là tiêu thụ năng lượng, nước, điện và đặc biệt là hóa chất. Nếu làm được điều này, doanh nghiệp sẽ giảm được đáng kể chi phí sản xuất, đồng thời cũng tiết kiệm được chi phí xử lý nước thải của quá trình dệt nhuộm.
Thực vậy, các nguyên liệu được sử dụng trong công nghệ tẩy nhuộm hoàn tất và các loại chất thải nếu không được quản lý tốt đều tiềm ẩn khả năng gây nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường. Các vấn đề liên quan đến an toàn và sức khỏe, tác động tới môi trường, chi phí xử lý chất thải, các yêu cầu về tuân thủ quy định luật pháp về môi trường, trách nhiệm pháp lý tiềm ẩn và vấn đề tiêu thụ năng lượng và nước là một số trong rất nhiều lý do vì sao cần phải nghiên cứu các công nghệ tẩy nhuộm, hoàn tất mới hơn và ít ô nhiễm hơn.
Ngoài các điểm chính nêu ở trên, SXSH còn giúp tìm ra các giải pháp hiệu quả cho các khía cạnh khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp như được phân tích dưới đây:
* Kiểm soát ô nhiễm
Quá trình giặt tẩy phát thải lượng lớn hóa chất, gồm nhiều loại khác nhau, dung môi hữu cơ, chất tẩy rửa, hóa chất này theo nước thải ra môi trường là một gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp khi phải xử lý trước khi thải. Các vấn đề khi xử lý nước thải đó là: (1) nếu lượng thải lớn, thì cần xây dựng hệ thống xử lý lớn, tốn kém, điều này là gánh nặng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cả về tài chính và không gian. (2) Thứ hai đó là đặc trưng của chất thải ngành dệt nhuộm khá khó xử lý, nhiều thành phần hòa tan, thành phần hữu cơ cao, độ pH cao, hơn nữa thành phần chất thải phụ thuộc vào loại vải nhuộm là gì, nhuộm vải hay nhuộm chỉ … nên kỹ thuật xử lý đòi hỏi phức tạp hơn. Chính vì vậy, việc cần làm là giảm thiểu lượng chất thải phát sinh, tiếp đến là nỗ lực giảm thiểu phát thải hóa chất và các chất phụ trợ để giảm độ độc hại cũng như độ phức tạp trong khâu xử lý. Áp dụng sản xuất sạch hơn là giải pháp giải quyết cả 2 vấn đề này, thúc đẩy quá trình xử lý chất thải với chi phí thấp hơn, đồng thời đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về mặt luật pháp. Phát thải và các chất phát sinh trong ngành dệt may được quản lý theo quy định của pháp luật, đồng thời giảm những tác động xấu tới an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
* Các yêu cầu của thị trường xuất khẩu
Thị trường đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn không những về kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà còn rất quan tâm đến những yếu tố liên quan hay ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các quốc gia châu Âu và Nhật Bản đưa ra những quy định rất nghiêm ngặt về hóa chất trong sản phẩm vải, dệt may. Ngoài việc đưa ra các quy định cấm sản xuất và sử dụng hóa chất độc hại trên đất nước mình, còn cấm nhập khẩu các vật phẩm sử dụng các yếu tố này trong quá trình sản xuất. Do vậy để có thể duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu thì phải coi việc không sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất là một yếu tố bắt buộc. Sản xuất sạch hơn có thể giúp ngành này tìm ra những giải pháp khác thân thiện môi trường hơn.
Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống quản lý môi trường đầy đủ, theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 để đáp ứng yêu cầu chung của khách hàng quốc tế, khi có sản xuất sạch hơn, sẽ có được bộ cơ sở dữ liệu và hồ sơ cải tiến để xây dựng hệ thống quản lý môi trường.
Sản xuất sạch hơn tạo dựng được một hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp bằng việc đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp có thể quảng bá mình là doanh nghiệp “chế biến trong Môi trường xanh” hoặc “sản phẩm xanh”, “sản phẩm thân thiện môi trường”.
Sức ép công luận
Nhận thức của người dân về môi trường ngày càng cao hơn. Người dân còn đóng vai trò phát giác những hành vi vi phạm môi trường, gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất. Các chất thải phát sinh từ các xưởng rất có hại đặc biệt là khói, bụi, và các hợp chất có lẫn trong nước thải, và vì vậy thu hút nhiều chú ý của công chúng. Ðiều này đã tạo ra nhiều áp lực hơn đối với ngành công nghiệp tọa lạc trong nội thành, khiến họ quan tâm hơn đến việc quản lý phát thải của mình ngay cả khi các phát thải chỉ với khối lượng nhỏ. Ngành công nghiệp Dệt - May cũng không thể tách mình ra khỏi áp lực đó và phải thực hiện các bước tích cực để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thu Hương