Tàu sạch ít gây hại nhất đến môi trường
Công nghệ đóng tàu sạch là công nghệ làm giảm thiểu các loại rác và chất thải độc hại phát xạ ra môi trường trong quá trình thiết kế, chế tạo, hoạt động và bảo dưỡng để giảm độ ô nhiễm, bảo vệ các nguồn tài nguyên như không khí, nước, đất và đồng thời cũng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và những lợi ích cho xã hội.
Tàu sạch được đóng chủ yếu phụ thuộc vào các phương án thiết kế tàu sạch. Tàu sạch sẽ được thiết kế sao cho tàu khi được đóng, hoạt động và sửa chữa ít gây tác động có hại nhất tới môi trường. Những nét chính của một bản thiết kế tàu sạch nằm trong 3 chữ R. Đó là Reduce - Giảm, có nghĩa là giảm thiểu lượng tiêu hao vật tư, năng lượng và độ ô nhiễm bẩn ra môi trường trong quá trình đóng và vận hành tàu; Recycle - Tái chế: Tái chế lại được các bộ phận và chi tiết khi tiến hành bảo dưỡng tàu; Reuse - Sử dụng lại: Sử dụng lại được các bộ phận và thiết bị chính sau khi đại tu sửa chữa tàu.
Nhà máy đóng tàu sạch là nhà máy có công nghệ đảm bảo được việc sử dụng có hiệu quả cao các vật tư, thiết bị và năng lượng trong quá trình đóng tàu. Nhà máy đó đồng thời cũng giảm thiểu được các chất thải độc hại ra môi trường và kết hợp một cách nhịp nhàng, đồng bộ các quá trình như đóng vỏ tàu, quá trình lắp các thiết bị và quá trình sơn tàu.
Nói chung, chìa khóa của công nghệ đóng tàu sạch chính là những phương pháp công nghệ đóng tàu sạch được thể hiện trong các hồ sơ, bản vẽ thiết kế tàu.
Tiêu chí sản xuất dẫn hướng cho phát triển công nghệ sạch
Đóng tàu là ngành công nghiệp tiêu thụ một số lượng lớn các loại vật tư, năng lượng và có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao. Ngày nay môi trường sống của con người ngày càng bị hủy hoại, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, sự sống và phát triển của loài người đang bị đe dọa. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, lực lượng lao động và tất cả các loại vốn bằng những công nghệ mới và phương pháp quản lý hiện đại đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Trên thực tế, tiêu chí sản xuất sạch đã tác động và dẫn hướng cho việc phát triển những phương pháp công nghệ sạch.
Sự nhận thức và các biện pháp được áp dụng để bảo vệ môi trường sạch chính là để làm giảm thiểu sự ô nhiễm gây ra cho môi trường trong quá trình đóng tàu, vận hành và phá dỡ tàu.
Lựa chọn thiết bị và tối ưu hóa các hệ thống trên tàu
Việc lựa chọn thiết bị trên tàu dựa vào các tiêu chí như ít tiêu hao nhiên liệu, ít gây ô nhiễm và hoạt động đạt hiệu quả cao. Khi đánh giá các chỉ số kỹ thuật của một con tàu, người ta thường tập trung vào đánh giá hệ số sử dụng của các thiết bị chính như: máy chính, máy phát điện, nồi hơi, hệ thống điều hòa không khí... và việc kiểm soát có hiệu quả về độ ồn, độ rung và mức độ phát xạ các loại khí thải độc hại ra môi trường.
Thí dụ như việc chọn khí tự nhiên hóa lỏng làm nhiên liệu để chạy máy chính đã tiết kiệm được 35% giá thành và giảm đáng kể những loại khí độc hại phát ra môi trường. Dùng loại khí tự nhiên hóa lỏng này tốt hơn nhiều so với các loại dầu diezen thông thường trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Một thí dụ khác là việc áp dụng các hệ thống đẩy tàu bằng động cơ điện đã thực sự là một cuộc cách mạng đem lại những thay đổi to lớn trong việc thiết kế, đóng, vận hành và bảo dưỡng tàu.
Việc tối ưu hóa thiết kế hệ thống tàu thường dựa trên các yếu tố như: tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và giảm giá thành. Ví dụ, việc tối ưu hóa tuyến hình thân tàu sẽ nâng cao được tốc độ tàu, tiết kiệm nhiên liệu chạy tàu và do đó đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Hay việc tối ưu hóa kết cấu thân tàu sẽ làm giảm được lượng sắt thép đóng tàu, tàu sẽ nhẹ hơn, tải trọng tăng lên và do đó hiệu quả kinh tế cũng sẽ cao hơn. Hoặc việc thiết kế theo các mô đun sẽ gia tăng được số lượng chế tạo, lắp ráp các mô đun song song cùng một lúc tại các địa điểm khác nhau, tăng được khả năng, hệ số lắp ráp các mô đun trên mặt đất và do đó hiệu quả kinh tế cũng sẽ cao hơn.