Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:48 GMT+7

Tin hoạt động

Điện mặt trời tại Việt Nam (Phần 2): Giải pháp và chính sách phát triển

30/11/2016

Nhà nước ta đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời như một giải pháp trước thách thức của công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Cụ thể, trong Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/03/2016 về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ chủ trương phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Mục tiêu của Quyết định 428 là đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời lên khoảng 850MW vào năm 2020 và khoảng 12.000MW vào năm 2030.

Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng các phương tiện, thiết bị điện mặt trời. Nhà nước cũng cần đưa ra mức định mức tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, thực hiện thử nghiệm chất lượng, hiệu suất các sản phẩm nhập khẩu, kinh doanh trong nước để hạn chế lưu thông sản phẩm kém chất lượng, định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời.

Một quyết định rất cần thiết và cấp thiết trong thời gian sắp tới của nhà nước chính là: Công bố giá mua, bán điện mặt trời hợp lý và đưa ra cơ chế hòa lưới điện quốc gia cho các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời. Để có thể thu hút các nhà đầu tư vào thị trường điện mặt trời, TS Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, cần bổ sung quy định, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển sản xuất thiết bị điện mặt trời trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để từng bước giảm giá bán điện của dự án điện mặt trời.

TS Nguyễn Huy Hoạch cũng kiến nghị, Chính phủ cần quy định giá mua-bán điện năng lượng mặt trời một cách hợp lý, để hài hòa lợi ích giữa các bên là chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam  và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh của Chính phủ. Ngoài các dự án điện nối lưới và dự án điện mặt trời trên mái nhà, cần xem xét bổ sung cả cơ chế mua, bán, quy đổi điện với các hộ dân lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời có tích tụ dư thừa điện.

Quan trọng hơn cả, nhà nước cần có những chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, chế tạo pin mặt trời, cũng như nhân lực tư vấn xây dựng nhà máy sản xuất điện mặt trời. Sở hữu một hệ thống các cơ chế, chính sách toàn diện và có được đội ngũ nhân lực chuyên môn cao phục vụ cho ngành công nghiệp điên mặt trời, đó là chúng ta đã có được chìa khóa giúp đưa điện mặt trời phát triển rộng khắp trên cả nước, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường bền vững cho quốc gia. 

Văn phòng CPSI

Link bài liên quan:  Điện mặt trời tại Việt Nam (Phần 1)