Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:42 GMT+7

Tin hoạt động

Hỗ trợ đến 500.000 USD cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh

16/11/2011

Với các doanh nghiệp công nghiệp, Quỹ Ủy thác Tín dụng Xanh sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư công nghệ sạch hơn từ trung đến dài hạn với mức bảo lãnh tối đa 50% tổng giá trị khoản vay (tối đa 500.000 USD/dự án) và trả thưởng tối đa 25% tổng giá trị khoản vay (tối đa 200.000 USD/dự án). 

PGS.TS Ngô Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Sản Xuất Sạch Việt Nam, giải thích nếu một doanh nghiệp với khoản vay 2.000.000 USD chẳng hạn, Quỹ sẽ chỉ bảo lãnh 50% của 1.000.000 USD, còn 1.000.000 USD sẽ không được bảo lãnh.

Một doanh nghiệp muốn đầu tư thiết bị trị giá 100.000 USD với lợi ích hàng năm 20.000 USD, thông thường thời gian hoàn vốn phải mất 5 năm. Nhưng nếu đăng ký Quỹ, doanh nghiệp sẽ nhận được nức hỗ trợ tối đa 25%, như vậy giá trị đầu tư còn lại là 75.000 USD. Thời gian hoàn vốn sẽ giảm xuống còn 3.75 năm.

Các đối tượng chính nhận được hỗ trợ của dự án là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp dịch vụ thương mại (Nhà hàng/dịch vụ ăn uống, khách sạn/trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, khu vui chơi - giải trí, tòa nhà văn phòng, cơ sở giặt là/nhuộm) có nhu cầu vay vốn để cải thiện công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hơn và tác động môi trường được đánh giá phải nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp. Qui mô của các khoản vay từ 10.000 đến 1.000.000 USD.

Mức trả thưởng sẽ dựa vào tỉ lệ cải thiện môi trường khi áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất. Tỉ lệ cải thiện môi trường đạt trên 30%, mức trả thường sẽ là 15%. Tỉ lệ trên 50%, mức trả thưởng sẽ là 25%. Ngân sách của Quỹ là 5.000.000 USD do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) cấp trong trong đó 3.000.000 USD dành để bảo lãnh và 2.000.000 USD dùng để trả thưởng.

Sản xuất sạch hơn sẽ tiết kiệm được tài chính thông qua giảm lãng phí năng lượng; thu hồi, tài sử dụng được nhiều loại phế phẩm; cải thiện môi trường làm  việc và sức khỏe, ít bụi, ít mùi hơn; cải thiện hình ảnh doanh nghiệp mở ra cơ hội thị trường mới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, v.v…

Ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia cao cấp Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam, chia sẻ bảo vệ môi trường đã trở thành yếu tố thứ ba trong sự phát triển để phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không cản trở nhu cầu trong tương lai.  

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Trưởng ban Môi trường&Doanh nghiệp – Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, nói: “Công nghệ sản xuất sạch hơn sẽ giảm chi phí năng lượng, tăng lợi nhuận, giảm thiểu xả chất thải, nước thải ra môi trường”.  

“Sản  xuất sạch hơn là công cụ hiệu quả nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế”, ông Thắng nói, “Sản xuất sạch hơn vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng xung quanh.” 

Đến nay toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam áp dụng sản xuất sạch hơn trong đó 61 tỉnh thành đã áp dụng sản xuất sạch hơn và hai tỉnh đang áp dụng sản xuất sạch hơn. 

Phát biểu tại hội thảo “Quỹ Ủy thác Tín dụng Xanh – Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ” sáng 3/11 tại Hà Nội, PGS.TS Ngô Thị Nga cho biết đến nay Quỹ Ủy thác Tín dụng Xanh nhận được trên 30 hồ sơ trong đó 18 hồ sơ đạt đủ các điều kiện sàng lọc ban đầu; 13 dự án được phê duyệt kỹ thuật, và sáu dự án đã giải ngân trong đó một dự án đã hoàn tất việc trả thưởng là Công ty Cổ phần Nhựa Tân Phú – TP Hồ Chí Minh.

Mạnh Cường