Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BRVT), những năm qua, công tác khuyến công được đẩy mạnh, mở rộng. Nhiều chương trình, đề án được triển khai có hiệu quả tích cực.
Đề án đào tạo 700 lao động kỹ thuật phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ được triển khai đúng tiến độ. Hiện có 132 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Chương trình đào tạo ngắn hạn cho 150 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí trên địa bàn tỉnh, cũng giúp người lao động nâng cao tay nghề, thu nhập.
Khuyến công BRVT còn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho chủ cơ sở công nghiệp nông thôn, cán bộ khuyến công, cộng tác viên khuyến công; hỗ trợ triển khai các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm cơ khí, đồ gỗ, gạch không nung; hỗ trợ các cơ sở đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tạo sản phẩm chất lượng cao, tiết giảm chi phí, gia tăng giá trị cho sản phẩm…
Các hoạt động khuyến công triển khai tại tỉnh BRVT thời gian qua đã bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư, thúc đẩy các cơ sở nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh. Qua đó, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp nông thôn tỉnh.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương tỉnh BRVT, hoạt động khuyến công tỉnh còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc: Một số cơ sở công nghiệp nông thôn vẫn chưa tiếp cận được, chưa nắm bắt đầy đủ các chính sách khuyến công; thời gian từ khi đăng ký đến thực hiện đề án quá dài, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị của doanh nghiệp, một số trường hợp để kịp thời đáp ứng nhu cầu đổi mới thiết bị, cơ sở đã đầu tư máy móc trước khi đề án được phê duyệt.
Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các hộ sản xuất cá thể năng lực về vốn rất hạn chế. Trong khi đó, theo Thông tư số 46/2012/TT-BCT máy móc thiết bị tiên tiến được hỗ trợ ứng dụng phải là máy móc thiết bị mới, tạo ra sản phẩm mới có năng suất, chất lượng cao so với thiết bị cơ sở sản xuất đang sử dụng. Thực tế, để giảm bớt chi phí đầu tư, các doanh nghiệp chủ yếu mua sắm thiết bị đã qua sử dụng.
Trước những bất cập trên, Sở Công Thương BRVT đã đề nghị với Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh quy định cho phép cơ sở công nghiệp nông thôn được đầu tư thiết bị máy móc đã qua sử dụng từ các nước G7, còn mới trên 80% nhưng vẫn đảm bảo là thiết bị tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và cạnh tranh về giá.
Nghị định số 45/2012/NĐ-CP chỉ quy định hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp nên việc xây dựng, phát triển trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn.
Sở kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung nội dung hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển các điểm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.
Sở cũng kiến nghị, bổ sung thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ có tính đột phá để thúc đẩy các cụm công nghiệp phát triển; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư vào bằng mức ưu đãi so với đầu tư vào khu công nghiệp; điều chỉnh quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường...