Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 05:50 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí phát triển

28/08/2015

Dây chuyền  sản xuất máy  đấu trộn bê tông của Công ty TNHH Quyết Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam định với tổng trị giá đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng, trong đó Trung tâm khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp 1, hỗ trợ 250 triệu đồng, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2014. Mục tiêu của khuyến công quốc gia  nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết bị, giảm giá thành và tăng năng suất lao động. Ngoài ra đây là mô hình, nhằm mục đích nhân rộng điển hình ra các doanh nghiệp cơ khí khác trên địa bàn cũng như các địa phương lân cận, để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp cơ khí.

Theo Ông Đặng Quang Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục CNĐP thì: Người dân  Nam Định có  tay nghề cơ khí rất mạnh từ lâu đời, vì vậy Trung tâm khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp 1 hy vọng sự hỗ trợ này sẽ là đòn bẩy để doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn ban đầu.

Còn với doanh nghiệp Quyết Tiến, đơn vị thụ hưởng chương trình hỗ trợ Khuyến công quốc gia cũng khẳng định, từ khi đưa dây chuyền sản xuất máy đấu trộn bê tông vào hoạt động, sản phẩm làm ra có chất lượng cao hơn hẳn so với  làm theo phương pháp thủ công, truyền thống trước đây. Chỉ sau 6 tháng, doanh thu của  doanh nghiệp  đã  tăng khoảng 30 % so với cùng kỳ năm ngoái. Quan trọng hơn, máy trộn bê tông của doanh nghiệp  đã  chiếm lĩnh thị trường máy xây dựng ở Nam Định và từng bước cạnh tranh với hàng nhập ngoại.

“Nhờ có những thiết bị kỹ thuật hiện đại nên sản phẩm máy trộn bê tông của chúng tôi chất lượng đảm bảo  hơn,  tiêu thụ thị trường lớn hơn và có thể xuất khẩu được  ngay trong thời gian đầu năm 2016”, Ông Lê Huy Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Quyết Tiến, Giao Thủy, Nam Định cho biết.

Việc sản phẩm  máy trộn bê tông được tiêu thụ mạnh trên thị trường cũng là cơ hội để doanh nghiệp Quyết Tiến tuyển dụng thêm lao động nhằm mở rộng qui mô hoạt động. Dự kiến, trong quí 3 sắp tới, doanh nghiệp sẽ tuyển thêm khoảng 50 lao động địa phương, và số lao động mới này cũng  sẽ được Trung tâm  khuyến công Nam Định tiếp tục hỗ trợ đào tạo lao động theo nguồn kinh phí khuyến công năm  2015.

Theo Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy, Nam Định: Dư thừa lao động đang là nỗi lo của  huyện Giao Thủy, bên cạnh đó số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cơ khí ở địa phương còn rất khó khăn. Vì thế sự hỗ trợ vào cuộc của các ban ngành, của Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp 1 là rất cần thiết và kịp thời với địa phương.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, dù nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ không nhiều, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc hỗ trợ của khuyến công với doanh nghiệp là rất kịp thời và cần thiết, động viên doanh nghiệp vượt qua khó khăn ban đầu. Được biết doanh nghiệp cơ khí Quyết Tiến, là doanh nghiệp thứ 4  đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cơ khí trên địa bàn huyện Giao Thủy.

Số liệu của Sở Công Thương Nam Định cho thấy, năm 2014, cả tỉnh Nam Định có gần 200 doanh nghiệp  vừa và nhỏ đầu tư vào  lĩnh vực cơ khí, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5.000 lao động. Mỗi năm đóng góp cho ngân sách tỉnh từ 300 đến 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết tiềm năng của các doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh. Theo quy hoạch của  tỉnh, đến năm 2020, sản xuất chế tạo các sản phẩm cơ khí,  sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Nam Định.

Ông Trần Huy Minh, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định cho biết: Tỉnh Nam Định đã có Nghị quyết 06 về phát triển cơ khí. Vì vậy đối với tất cả các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, sẽ được tạo mọi điều kiện về thuê đất, giảm thuế  với mức cao nhất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh.

Theo đó, nếu doanh nghiệp nào mới thành lập, tỉnh sẽ miễn giảm thuế, tiền thuê đất và các khoản đóng góp trong 5 năm. Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp 1, trong năm 2014, Trung tâm đã triển khai thực hiện 37 đề án khuyến công trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc với tổng kinh phí gần 15.240 tỷ đồng, tăng 165% so với năm trước. Trong đó, riêng ở tỉnh Nam Định, trên 80% kinh phí được dành cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo các sản phẩm cơ khí.

Ông Hoàng Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương cho biết: Với nhiều lý do, Nam Định cũng như nhiều địa phương khác, ngành cơ khí gặp khá nhiều khó khăn. Thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, chúng tôi đã làm việc với Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, sẽ dành nguồn kinh phí  thỏa đáng  để tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí mới thành lập, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tất cả các lĩnh vực.

Đại diện Cục CNĐP cũng đánh giá cao các đề án của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, đạt hiệu quả và phù hợp với quy hoạch của ngành và địa phương. Các mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất tại một số doanh nghiệp cơ khí cải thiện được điều kiện sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập, chuyển dịch kinh tế địa phương. Hỗ trợ các doanh nghiệp thiết bị máy móc, xây dựng mô hình trình diễn, cũng đã được Cục CNĐP xác định là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.